Sự kiện hot
3 năm trước

Sức ép tỷ giá gia tăng từ biến động lãi suất quốc tế

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN Việt Nam cho biết NHNN vẫn giữ quan điểm điều hành tỷ giá ổn định nên tỷ giá đồng Việt Nam không biến động nhiều so với USD. Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc giữ giá đồng nội tệ cố định so với USD cũng không thực sự cần thiết vì khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ.

Động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thời gian qua và dự kiến tiếp tục tăng thời gian tới đang gây áp lực lớn lên tỷ giá các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có thể bán bớt ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối đang khá dồi dào để ổn định tỷ giá, đồng thời cán cân thương mại xuất siêu trong nửa đầu năm 2022 cũng giúp giải tỏa một phần sức ép về tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD.

Tỷ giá trong nước chưa nhiều đột biến

Ngày 4/7 vừa qua, tỷ giá USD tham khảo của Sở giao dịch NHNN đã điều chỉnh tăng 150 đồng/USD ở chiều bán ra sau một thời gian dài giữ cố định, ghi nhận mức 23.400 đồng/USD.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2022, Sở giao dịch NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá tham khảo ở chiều bán ra, lần tăng trước đó vào ngày 11/5 với mức tăng tỷ giá tham khảo bán ra thêm 200 đồng/USD, từ 23.050 đồng/USD lên 23.250 đồng/USD. Tuy nhiên, trong cả 2 lần điều chỉnh tỷ giá tham khảo gần đây, Sở giao dịch NHNN Việt Nam đều chỉ điều chỉnh tỷ giá tham khảo bán ra trong khi vẫn giữ cố định tỷ giá tham khảo mua vào ở mức 22.550 đồng/USD. Theo đó, mức chênh lệch tỷ giá tham khảo bán ra so với mua vào hiện nay đã tăng lên 850 đồng/USD, thay vì mức chênh lệch chỉ 500 đồng/USD hồi đầu năm.

Mặc dù diễn biến tỷ giá tham khảo của Sở giao dịch NHNN điều chỉnh tăng 2 lần và khoảng cách giá mua vào và bán ra đang có xu hướng giãn rộng ra, nhưng tỷ giá trung tâm không cho thấy xu hướng tăng rõ ràng.

suc-ep-ty-gia-gia-tang-tu-bien-2708-3214
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì quan điểm điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước.

Khác với tỷ giá tham khảo thường được Sở giao dịch NHNN giữ cố định trong một khoảng thời gian dài và ít khi điều chỉnh, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày. Nhìn lại thời điểm đầu năm 2021, tỷ giá trung tâm phiên đầu tiên năm 2021 ghi nhận là 23.143 đồng/USD và phiên ngày 4/7 là 23.144 đồng/USD. Theo đó, tỷ giá trung tâm mặc dù có những giai đoạn tăng cao, lên trên 23.160 đồng/USD vào khoảng giữa tháng 5, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chỉ xấp xỉ mặt bằng so với đầu năm.

Đó là diễn biến tỷ giá do NHNN công bố, trong khi đó, diễn biến tỷ giá của ngân hàng thương mại có động thái tăng thời gian qua. Chẳng hạn, tỷ giá công bố của Vietcombank thời điểm đầu năm 2022 ghi nhận các mức giá mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra lần lượt là 22.610/22.640/22.920 đồng/USD, nhưng đến nay đã nhích lên mức 23.180/23.210/23.490 đồng/USD.

Tỷ giá chịu áp lực tăng, nhưng không lớn

Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá đang chịu sức ép từ động thái thắt chặt tiền tệ, cụ thể là tăng lãi suất của Fed.

Cụ thể giữa tháng 6 vừa qua, Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây cũng là lần tăng lãi suất lớn nhất của Fed trong vòng gần 30 năm qua, kể từ năm 1994. Thậm chí, Fed có thể tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất tiếp theo vào cuối tháng 7.

Theo trao đổi của một số chuyên gia tài chính, việc tăng lãi suất của Fed có thể sẽ làm cho đồng USD tăng giá so với các đồng tiền của quốc gia khác. Thực tế cho thấy, đồng USD đã tăng giá so với rất đồng tiền chủ chốt ở khu vực châu Á như Nhân dân tệ của Trung Quốc, Won Hàn Quốc, Bath Thái Lan, Yên Nhật Bản… Ngay cả đồng tiền mạnh như Euro trước đây giá cao hơn khá nhiều so với USD nhưng cũng đã mất giá khá mạnh thời gian qua và hiện giờ giá 2 đồng tiền này xấp xỉ nhau.

Tuy nhiên theo đánh giá của ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN Việt Nam, NHNN vẫn giữ quan điểm điều hành tỷ giá ổn định nên tỷ giá đồng Việt Nam không biến động nhiều so với USD.

Diễn biến kinh tế vĩ mô thời gian gần đây cũng cho thấy, một trong những yếu tố giúp giảm áp lực với tỷ giá là Việt Nam vẫn duy trì cán cân thương mại thặng dư. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 32,65 tỷ USD còn tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là 32,37 tỷ USD, theo đó tháng 6 xuất siêu 280 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng cũng là một trong những yếu tố “giảm tải” cho sức ép đối với tỷ giá. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Ngoài ra theo đánh giá của một số chuyên gia, việc giữ giá đồng nội tệ cố định so với USD cũng không thực sự cần thiết vì khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh hơn so với các nước khác. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường đại học Kinh tế TP HCM cho biết, trong trường hợp này, NHNN nên hết sức khéo léo trong điều hành tỷ giá, làm sao để đồng Việt Nam không bị mất giá quá mạnh, nhưng vẫn có sự giảm giá ở mức độ phù hợp để duy trì vị thế xuất khẩu.

Có thể tăng tần suất bán ngoại tệ để duy trì ổn định thị trường

NHNN cho biết vẫn duy trì quan điểm điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước. NHNN có thể sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Trong đó, có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo ndh.vn

Từ khóa: