Sự kiện hot
13 năm trước

Tái cấu trúc CTCK: Chính thức có hiệu lệnh

UBCK ngày 12.1 cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký phê duyệt Đề án Tái cấu trúc các CTCK. Theo đó, trong năm 2012 UBCK sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 1 của đề án là xử lý các CTCK trong nhóm yếu kém.

UBCK ngày 12.1 cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký phê duyệt Đề án Tái cấu trúc các CTCK. Theo đó, trong năm 2012 UBCK sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 1 của đề án là xử lý các CTCK trong nhóm yếu kém.

Ngay trong quý I này (từ nay tới 1.4) sẽ có đoàn kiểm tra đến nắm tình hình hoạt động của những CTCK không đảm bảo tỉ lệ an toàn tài chính theo Thông tư 226/2010/TT-BTC. Trong trường hợp phát hiện các sai phạm, các CTCK có thể bị rút giấy phép nghiệp vụ môi giới.

Khốc liệt phân loại

Việc phân loại các CTCK để tái cấu trúc sẽ dựa trên cơ sở thông tư 226 để tiến hành rà soát phân nhóm các CTCK theo mức độ rủi ro giảm dần, dựa trên 2 chỉ tiêu vốn khả dụng/tổng rủi ro và tỉ lệ lỗ lũy kế/VĐL. Theo đó, nhóm 1(nhóm bình thường) bao gồm các TCCK có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro trên 150% và có lãi hoặc lỗ lũy kế dưới 30% VĐL; nhóm 2 (nhóm kiểm soát) gồm các CTCK có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế từ 30% đến 50% VĐL; nhóm 3 (nhóm kiểm soát đặc biệt) gồm các CTCK có tỉ lệ vốn  khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% VĐL.

Trong một cuộc họp báo cách đây không lâu, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng đã cho biết, ngay từ tháng 7 - tháng 8.2011, UBCK đã làm việc với 40 Cty để ra soát và nắm lại thực trạng tài chính. Tiếp đó, sau khi có báo cáo soát xét, cơ quan quản lý đã tiến hành phân loại lần nữa và cử đoàn kiểm tra xuống 10 Cty để xử lý. Người đứng đầu UBCK cũng nhận định, việc phân loại theo thông tư 226 là “khốc liệt”. Bởi theo đề án vừa được phê duyệt thì ngay trong quý này, những đơn vị có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro không đảm bảo quy định sẽ phải thực hiện chế độ báo cáo hằng tuần, thậm chí hằng ngày (đối với những CTCK có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120%). Nếu phát hiện CTCK chưa thực hiện tách biệt tài sản của NĐT khi đoàn kiểm tra phát hiện được, CTCK buộc phải thực hiện tách bạch trong thời hạn tối đa 2 tháng. Hai sở, TTLK sẽ kiểm soát chặt chẽ vấn đề thanh toán giao dịch của CTCK. Còn trong trường hợp liên tục vi phạm thiếu tiền thanh toán, lạm dụng tiền gửi của khách hàng, xem xét rút phép nghiệp vụ môi giới.

Cần 40-50 CTCK là vừa đủ?

Sau đó, trong các giai đoạn sau của đề án, cơ quan quản lý sẽ thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn bao gồm cả kỹ thuật và hành chính. Chủ tịch UBCK cũng cho biết, quyết định sáp nhập, giải thể hay bán là quyền của cổ đông. “Chúng tôi kết hợp 2 giải pháp hành chính và kỹ thuật, trong đó chủ yếu là biện pháp kỹ thuật. Đặt CTCK vào tình trạng kiểm soát thì buộc các đơn vị này phải lo tái cấu trúc: Khoanh nợ, bán tài sản xấu, giảm rủi ro, thu hẹp hoạt động. Khi đã vào nhóm kiểm soát đặc biệt thì CTCK phải có các biện pháp hành chính như họp ĐHCĐ rút nghiệp vụ môi giới”, ông Vũ Bằng nói.

Đối với vấn đề quan trọng mà đề án đặt ra là thu hẹp số lượng CTCK thì hiện chưa có con số cụ thể là sau khi tái cấu trúc TTCK VN sẽ có bao nhiêu CTCK, vì 105 Cty như hiện nay là quá nhiều, dẫn tới tình trạng nhiều trường hợp khó quá làm liều để tồn tại. Tuy nhiên, việc giảm bớt số lượng CTCK cũng không hề đơn giản. Với những CTCK nhỏ nhưng có lý lịch “trong sạch”, hệ số an toàn tài chính trên 200%, vốn không thật sự lớn và mới đang phục vụ cho các cổ đông chính của Cty thì khó có thể sáp nhập hay phá sản vì có thể dễ dàng tăng vốn. Những CTCK có cổ đông sáng lập là các đại gia, có nền tảng về tài chính, nhân lực, hạ tầng tốt, VĐL lớn và tình hình tài chính tốt cũng sẽ nằm trong nhóm an toàn. Còn đối với những CTCK khó khăn, tình hình tài chính rất xấu mà buộc phải làm bậy như thời gian qua được cho là sẽ dẫn đầu danh sách cần “xử lý”.

Được biết, tới cuối năm 2011, toàn thị trường có tới 71 CTCK có lỗ lũy kế (trong đó có cả các CTCK lớn), 12 CTCK bị nêu tên trong danh sách các CTCK có hệ số an toàn tài chính thấp và một số CTCK bị nêu tên do liên quan tới các vụ lùm xùm như SME, Hà Thành, Tràng An. Gần đây cũng xuất hiện một số CTCK tự nguyện xin rút bớt nghiệp vụ môi giới như CTCK Hà Nội, CTCK Đông Dương, CTCK Trường Sơn.

Như vậy, việc tái cấu trúc các CTCK đã và đang diễn ra khá mau chóng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây chưa ghi nhận trường hợp mua bán hay sáp nhập nào như vụ sáp nhập 2 NH. Tuy nhiên, trong một bài trả lời PV báo chí mới đây, Chủ tịch UBCK đã cho biết thực hiện tái cấu trúc các CTCK thì chắc chắn số lượng các Cty sẽ phải giảm, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì UBCK không đặt mục tiêu con số cụ thể. Tuy nhiên, người đứng đầu UBCK cũng cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế với quy mô như nền kinh tế của VN thì số lượng khoảng 40 – 50 CTCK là hợp lý.

Lưu Thuỷ
Theo Lao dong

Từ khóa: