Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp có dự án khả thi.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp có dự án khả thi.
Vốn không thiếu, chỉ thiếu dự án tốt
Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2012, hệ thống ngân hàng tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, với mức tăng trưởng tín dụng chỉ là 15 - 17%. Đồng thời, chỉ tiêu tín dụng cũng sẽ được phân bổ theo 4 nhóm ngân hàng.
Ông Phạm Chí Quang, Trưởng phòng Quản lý kinh doanh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) thừa nhận: “Năm 2012, cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng sẽ càng khó khăn. Vì vậy, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN nhỏ và vừa ngày càng khó. Do hạn mức tăng trưởng tín dụng có hạn, các ngân hàng thường phải ưu tiên cho các DN là khách hàng thân thiết và các tập đoàn lớn vốn đã ký hợp đồng tín dụng từ lâu. Đa số đều là các hợp đồng tín dụng trung và dài hạn, không thể trì hoãn”.
Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng, điều này không có nghĩa là vốn ngân hàng hoàn toàn đóng cửa với DN. Các ngân hàng vẫn cho vay nếu nhìn thấy các dự án có khả năng trả nợ, tạo ra dòng tiền tốt. Hơn nữa, tái cơ cấu ngân hàng cũng sẽ đem lại cơ hội vay vốn cho các DN.
Về phía DN, Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op hy vọng, tái cơ cấu ngân hàng sẽ làm nguồn vốn được lành mạnh hóa, chảy từ khu vực phi sản xuất sang khu vực sản xuất, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN.
“Song song với tái cơ cấu ngân hàng, Chính phủ cũng cần tái cấu trúc mạnh mẽ DN nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, phát huy các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, các quỹ đầu tư… Khi đó, các DN lớn sẽ huy động vốn từ các kênh này, giảm áp lực sử dụng vốn ngân hàng. Còn ngân hàng lúc đó cũng mới có dư địa để cho các DN nhỏ và vừa vay vốn”, ông Hoà nói.
Lạc quan hơn, ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa nhận định: “Cơ hội đang tràn lan. Thế giới không thiếu vốn, Việt Nam cũng không thiếu vốn, Việt Nam chỉ đang thiếu những sản phẩm, những ngành nghề đặc thù, những DN có năng lực quản trị tốt, có tầm nhìn xa”. Ông Alan Phan dẫn chứng, một quỹ đầu tư Mỹ được giao nhiệm vụ đầu tư 100 triệu USD cho các công ty ở Việt Nam trong năm 2011, nhưng hết năm vẫn chưa tìm được địa chỉ tốt để rót vốn đầu tư.
Phải thay đổi tư duy cho vay vốn
Dù lạc quan hơn, song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, luồng tín dụng vẫn chưa thể chuyển động mạnh, nếu không thay đổi quan điểm và cách thức vay vốn ngân hàng hiện nay.
“Các ngân hàng Việt Nam hiện chủ yếu chỉ là các tổ chức cho vay, mà chủ yếu là cho thế chấp, chưa cho vay dự án. DN Việt Nam khi đi vay ngân hàng mang nặng tư duy thế chấp, còn phía ngân hàng cũng chưa có đủ nhân sự, kinh nghiệm và quyết tâm xem xét từng dự án một. Cần phải thay đổi tư duy vay và cho vay vốn dựa vào thế chấp, mà phải cho vay theo dự án”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét.
Ông Thành nêu ví dụ, ở Mỹ, một DN có tài sản 2.500 USD, nhưng chỉ cần có kế hoạch kinh doanh tốt, chứng minh được đầu ra của sản phẩm, tính hiệu quả của dự án là sẵn sàng được ngân hàng rót ngay 250.000 USD vào tài khoản mà không cần tài sản thế chấp nào.
Bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang dần thực hiện chủ trương cho vay theo dòng tiền, dựa trên hiệu quả dự án. Nhưng rất nhiều DN không chứng minh được dòng tiền, không chứng minh được hiệu quả của dự án, nên có thói quen mang tài sản thế chấp khi vay vốn. “Ngân hàng không thể huy động tiền rồi ngồi giữ khư khư. Song các DN muốn vay phải thể hiện được sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ, phải chứng minh dòng tiền có thể quay về. Hiện nay, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ giữa vốn vay với vốn chủ sở hữu lên tới 1/20. Có nghĩa, DN có một đồng vốn của mình, còn phụ thuộc tới 20 đồng vốn ngân hàng. Đây là điều rất đáng lo”, bà Hương nói.
Thừa nhận thực tế này, song nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, để thực hiện được cách cho vay theo dự án như các nước phát triển, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống ngân hàng lõi (core banking), hệ thống văn bản pháp luật… của ngân hàng Việt Nam phải chuẩn hóa theo quốc tế. Trong điều kiện thông tin về DN chưa minh bạch như hiện nay, ngân hàng không thể mạo hiểm cho vay.
Hà Tâm
Theo Dau tu