Xe cấp cứu còn cách Bệnh viện Nhi Đồng 1 khoảng 20 km thì bệnh nhi có dấu hiệu ngưng tim. Tài xế Ninh quyết định tăng tốc. Giữa dòng người, chiếc xe cứu thương mang biển số Đồng Nai lúc chạy lấn tuyến, khi lao ngược chiều.
Xe cấp cứu còn cách Bệnh viện Nhi Đồng 1 khoảng 20 km thì bệnh nhi có dấu hiệu ngưng tim. Tài xế Ninh quyết định tăng tốc. Giữa dòng người, chiếc xe cứu thương mang biển số Đồng Nai lúc chạy lấn tuyến, khi lao ngược chiều.
Bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu. Thay vì vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10) như dự tính, Ninh quyết định đánh xe về phía quận 1 để đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. "Hy vọng có thể nhanh hơn được vài phút", anh nói, ánh mắt vẫn tập trung cao độ vào đoạn đường phía trước.
Ngoài đưa số ít bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không quá gấp, còn lại các xe cứu đều phải "đua" để cứu bệnh nhân đang nguy kịch. Ảnh: Cao Lâm
Giờ tan tầm, đường phố Sài Gòn ngày đầu tuần đông đúc xe cộ. Còi cứu thương dù hú inh ỏi, đèn ưu tiên xoay tít nhưng nhiều người đi đường vẫn tỏ ra thờ ơ không chịu nhường đường. Mỗi lần vướng ngã tư đèn đỏ, tài xế lại nhăn mặt và đưa mắt liếc vào kính xem bệnh nhi ở phía sau ra sao. Đèn vừa xanh, chiếc xe đã vội trờ tới, hết lách trái lại sang phải để lao về phía trước.
Khoảng 10 phút sau, xe cũng đến được cổng cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2. Rời vô-lăng, người tài xế ngoài 30 tuổi vội vã bước xuống xe mở cửa sau rồi cùng điều dưỡng đỡ cháu bé 9 tuổi bị chấn thương sọ não xuống băng ca.
"Cầu cho bé không sao", người tài xế nói. Cho xe vào bãi đợi, thay vì ngồi ở xe đợi hoàn tất thủ tục chuyển bệnh, anh Ninh bước về phía phòng cấp cứu nơi người thân của bệnh nhân đang lo lắng chờ. Gần một giờ đồng hồ chờ đợi, tin vui cũng đã đến.
"Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch", nghe cô điều dưỡng nói, Ninh thở phào. Tạm biệt người nhà bệnh nhân, anh tài xế có dáng người tầm thước bước ra phía cổng bệnh viện mua vội 2 ổ bánh mì. "Tôi một ổ, điều dưỡng một ổ. Đói quá rồi. Bệnh nhân mà có mệnh hệ gì thì chắc tôi nhịn luôn", anh cười nói.
Xe cấp cứu quay trở lại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai thì đường phố đã lên đèn. Không về nhà vì phải tiếp tục trực đêm, anh Lộc cho biết, chuyện chạy đua với tử thần và tranh lấy từng phút giây cho bệnh nhân như trường hợp vừa xong đã trở nên quá quen thuộc.
"Nghề của chúng tôi là vậy. Cẩn thận nhưng càng nhanh càng tốt. Lên xe chuyển bệnh nhân, nhất là những trường hợp tai nạn giao thông hay bệnh nhân có biến chứng trở nặng, chỉ cần chậm vài phút thì bệnh nhân có thể tử vong ngay", anh Ninh nói.
Cùng công tác ở tổ Công xa với anh Ninh, tài xế Dương Hoàng Lộc kể, đoạn đường từ bệnh viện đến TP HCM chỉ tầm hơn 30 km, nhưng lại là tuyến đường thường xuyên bị kẹt xe. "Chính vì thế, việc cấp cứu như là một cuộc chiến để giành mạng sống của bệnh nhân trên tay tử thần".
"Một lần chuyển bệnh nhân nguy kịch trong giờ cao điểm, đường đông vì kẹt xe, phải chạy cả vào đường xe máy nhưng vẫn không có lối thoát, tôi phải xuống xe xin đường. Trong tình huống đó, tôi không còn cách nào khác bởi nếu chậm hơn vài phút, bệnh nhân có thể gặp nguy", anh Lộc nói.
Cũng với không khí "cứu người như cứu hỏa", hằng ngày, các tuyến đường dẫn đến khoa cấp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Bệnh viện 115, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng như Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, 3/2, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Du, Mạc Đĩnh Chi cứ vài phút lại vang lên tiếng kèn cấp cứu. Đặc điểm chung của những chuyến xe này là đều vội vã, khẩn trương.
Chỉ cần cấp cứu chậm vài phút, bệnh nhân có thể nguy kịch thậm chí tử vong. Ảnh: Cao Lâm
Chiều 4/5, chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ, đã có gần 10 trường hợp cấp cứu từ các tỉnh Bình Dương, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Bến Tre được chuyển đến. Hầu hết bác tài không chỉ là người cầm lái mà xe vừa dừng bánh, các anh đã vội lao ngay xuống xe giúp khuân bệnh nhân.
Đưa bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim từ Kiên Giang về Chợ Rẫy, một tài xế tên Sơn cho biết: "Chúng tôi còn nóng lòng hơn cả người nhà bởi việc vận chuyển người bệnh nhanh hay chậm, họ có được cứu kịp hay không chính là nhiệm vụ của chúng tôi". Bệnh nhân của anh Sơn sau đó được các bác sĩ chuyển ngay đến phòng mổ vì còn kịp thời gian chỉ định phẫu thuật.
Cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một trường hợp khác, bệnh nhân 55 tuổi bị tai biến mạch máu não từ Bến Tre đến cũng tức tốc được chuyển vào phòng mổ sau khi nhập viện. Theo các bác sĩ, chỉ cần chậm vài phút, bệnh nhân đã có thể nguy kịch hơn.
"Nghề này là vậy đấy, niềm vui và nỗi buồn có thể thấy ngay chứ không chờ đợi lâu. Sau khi các bác sĩ ký lệnh chuyển viện, trách nhiệm còn lại gần như thuộc về người tài xế và điều dưỡng đi cùng. Chỉ cần chậm chân tí thôi thì chúng tôi có thể trở thành những không hoàn thành nhiệm vụ", anh Hùng, tài xế xe cứu thương ở Cần Thơ nói.
Cố gắng chạy thật nhanh để cứu người đã không phải dễ bởi đường đông và thường kẹt xe, thế nhưng theo các tài xế cấp cứu, còn một điều khác nữa khiến họ chậm bước, chính là ý thức của người tham gia giao thông.
Có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề lái xe cứu người, anh Lương Duy Thanh, phụ trách tổ Công xa Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, cho rằng ý thức của người đi đường trong việc nhường đường cho xe cấp cứu ngày càng kém.
"Khoảng 15 năm trước, chỉ cần nghe tiếng còi cấp cứu, người dân đã dạt ra để tránh đường. Còn ngày nay, rất nhiều lần chúng tôi xin đường nhưng người dân cứ chạy xe trước mặt hoặc đứng trơ trơ chờ đèn chứ không chịu né. Lúc ấy, tay nghề của tài xế có giỏi đến mấy mà người đi đường vẫn không chịu nhường đường thì cũng thua", anh Thanh nói.
Các bác tài của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thì cho biết: "Nhiều lúc bệnh nhân trên xe gần ngưng thở, xe cấp cứu thì kèn ưu tiên inh ỏi, vậy mà ở ngã tư người đi đường vẫn không chịu nhường".
Nhiều bác tài còn kể, không ít lần các tài xế ôtô "riêng" thậm chí còn chạy lên chặn trước xe cấp cứu để chỉ trích "chạy kiểu gì kỳ vậy", còn người đi xe máy thì đập vào thùng ôtô rồi "cúp" trước mũi xe cấp cứu.
Cao Lâm
Theo VnExpress