Sự kiện hot
8 năm trước

Tâm sự của những mẹ từng trầm cảm sau sinh, các ông chồng đọc mà thương

Với những người phụ nữ, dù đã được chuẩn bị rất kỹ càng về mặt tâm lý và kiến thức, nhưng khi đối diện với thực tế có thêm một thành viên mới, ít nhiều sẽ có những lúc stress và nặng hơn là trầm cảm.

Những ngày gần đây, khi thông tin về một người mẹ trẻ tuổi giết con và bị nghi là trầm cảm, cả xã hội mới bàng hoàng và nhận ra, chuyện trầm cảm không phải của riêng ai, cũng không phải căn bệnh xa lạ, bởi những người vợ của mình, những người từng có con nhỏ ít nhiều đã từng trải qua những cảm xúc khó tả, những kích động, lo âu…

Với những bà mẹ sau khi sinh con, dù đã được chuẩn bị tâm lý kỹ càng, dù có kiến thức nền của việc chăm sóc trẻ nhỏ nhưng khi đối diện với việc tự tay mình chăm một em bé, tự tay mình loay hoay với mọi việc, tự tay làm những việc chưa bao giờ làm từ nhỏ đến lớn, chắc hẳn không ít mẹ cảm thấy lúng túng, cảm thấy buồn phiền, mệt mỏi và đầy áp lực.

Sau sinh, do thay đổi nội tiết tố, tâm sinh lý, mệt mỏi khi vừa vượt cạn, khi không được sự giúp sức, đồng lòng của người thân, có đến 30 – 85% phụ nữ mắc bệnh buồn sau sinh, triệu chứng cảm xúc dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu. Có tới 10 – 15% phụ nữ trầm cảm sau sinh, thường mang khí sắc trầm buồn, lo âu quá mắc, mất ngủ, thích ở một mình, hay khóc lóc và dằn vặt chính bản thân. Và con số dưới 0,2% những phụ nữ sau sinh bị loạn thần, một chứng trầm cảm nặng liên quan đến thần kinh. Họ dễ bị kích động, gây hấn, cáu gắt, khí sắc trầm hay hưng phấn, hoang tưởng…

Sau sinh là giai đoạn người phụ nữ dễ bị trầm cảm nhất. (Ảnh Pinterest)

Trầm cảm vì con

Chị H.T (Hà Nội) chia sẻ: “Mình không biết mình có bị không, nhưng khoảng thời gian sau sinh mình bị khủng hoảng vì bé không chịu bú mẹ, mỗi lần cho con bú là mẹ khóc con khóc, ông bà đều ở xa nên mình tự chăm con. Sau đó mình bị áp xe vú phải mổ. Có hôm mình đánh bé mà không kiểm soát được hành vi của mình vì bé quấy không chịu ngủ, không chịu bú mẹ. Đêm ngủ không đủ giấc vì mình phải thức hút sữa, 2h/ lần. Có khoảng thời gian trong đầu mình cứ có ý định tự tử khi con khóc, thậm chí cứ như có ai đó giục mình đánh bé thật mạnh, thật đau. Mỗi lần bực mình đánh bé xog nghĩ lại hối hân lắm tại sao mình lại đánh một đứa trẻ mà nó không có khả năng tự vệ?"

Nhiều bà mẹ đã cảm thấy vô cùng stress và tủi thân khi một mình đối mặt với những lúc con khóc như mẹ H.B: “Có 1 lần con khóc mình dỗ không được mình đã thả con vào đống chăn. Có hôm mình chùm chăn kín cả mẹ cả con vì con khóc to, vì ở cùng bố mẹ chồng rất mệt mỏi. Hồi đó chồng không hiểu và thông cảm đâu, đẻ xong mệt chỉ buồn ngủ còn bảo mình là "không dậy mà vận động suốt ngày nằm ì ra đó". Lúc nào trong đầu mình cũng có suy nghĩ tiêu cực, rồi còn dọa chồng là nếu mà bức quá là ôm con tự tử”…

Nhiều mẹ một mình chăm con, loay hoay với đủ việc không tên, không có ai giúp đỡ khi sức khỏe còn chưa hồi phục. Chị H.A (Hải Phòng) cho biết: “Sau sinh mình bị ức chế tâm lý. Mặc dù sinh ở nhà ngoại nhưng mẹ mình lại không chăm sóc bà đẻ như người khác. Mình bị ức chế. Con mình thì một tay mình lo hoàn toàn. Từ việc hơ ốp rốn tắm rửa tã bỉm. Ấy vậy mà còn nhiều biến động lớn xảy ra làm mình rất bàng hoàng khóc suốt từ những ngày đầu mới sinh xong. Không bị phát điên thì có được xem là bị trầm cảm không nhỉ. Dù hiện tại con mình 1 tuổi nhưng mình vẫn hay suy nghĩ tiêu cực, hay khóc, hay quát con và ít dạy con vì không có tâm trạng”.

Một mình chăm con khiến mẹ bị trầm cảm. (Ảnh Pinterest)

Trầm cảm vì người xung quanh

Người mẹ sau sinh không chỉ phải đối mặt với vấn đề của con, vấn đề của chính mình mà còn bị tác động rất lớn của người xung quanh, đặc biệt là chồng và gia đình nhà chồng, anh em họ hàng, hàng xóm khiến “trăm dâu đổ đầu tằm”. Chị M.B.H (TP.HCM) nhớ về những ngày mới sinh: “Mấy ngày đầu sinh con, mình như phát điên. Mẹ mình thì bắt ở cữ, mình không nghe, ngày nào cũng lên chửi, mình làm gì cũng bị chửi. Mình ức chế, nói cho chồng nghe, chồng lại chửi mình điên này nọ, mình khóc và la hét suốt ngày, đòi bỏ con, bỏ nhà đi, tâm trạng lúc nào cũng chán nản. Lúc đó vừa đau đớn vì bị mẹ bắt hơ than làm sứt đường may tầng sinh môn vừa phải chăm con bị viêm hô hấp, bú là ói. Mẹ bỏ không chăm, chồng đi làm, ngày nào mình cũng ôm con mà khóc, tủi thân”.

Chị L.N vì thường xuyên bất đồng quan điểm với mẹ chồng. Mẹ chồng chị luôn tham gia quá “nhiệt tình” vào việc chăm con khiến chị luôn cảm thấy ngột ngạt: “Khi mình mới sinh bé xong cũng có mâu thuẫn với mẹ chồng. Có lúc đỉnh điểm nghĩ quẩn, may mà có chồng thấu hiểu nên 3 tháng mình lên với chồng là tâm lý vui vẻ trở lại. Nghĩ lại lúc ấy đúng là sợ đẻ tiếp”.

May mắn vượt qua khi đủ bản lĩnh hay có chồng bên cạnh

Chị H.T là một trong những người phụ nữ may mắn, bởi trong khoảng thời gian sau sinh, chị có em chồng và chồng cùng giúp đỡ. Chị kể lại: “Mình nói với chồng là mình bị stress, chồng đã dành thời gian đưa mình đi chơi, đi dạo, chia sẻ việc chăm con.... Tới nay con hơn 9m, thỉnh thoảng mình cũng cảm thấy mệt mỏi vì con biếng ăn nhưng quan trọng chồng luôn chia sẻ và quan tâm cảm xúc của vợ nên mình cũng thấy cân bằng hơn, không còn nghĩ quẩn nữa. Bởi vậy trầm cảm sau sinh nguy hiểm lắm nếu không có sự chia sẻ từ người thân, đặc biệt là chồng mình”.

Chồng luôn là nguồn động viên, an ủi để vợ bớt căng thẳng khi chăm con, ở cữ. (Ảnh Pinterest)

Dù chồng không hiểu lắm và không chia sẻ nhiều với vợ về những cảm xúc vợ đang trải qua nhưng may mắn rằng, chị H.N (Hà Nội) đã vượt qua được chính mính để bình tâm lại vì con. Chị cho biết: “Mình cũng từng trải qua giai đoạn như thế vì mình sinh liên tiếp 2 đứa. Mình thấy stress nặng và nói với chồng đưa mình đi gặp bác sĩ tâm lý nhưng chồng mình không tin. Mình phải nói chuyện với đứa em đang học khoa tâm lý để có thể chia sẻ bớt. Đã có lúc mình cảm thấy cùng đường mà muốn kết thúc hết chuỗi ngày mệt mỏi đó nhưng khi mình nhìn 2 đứa con nhỏ mình đã nghĩ chúng sẽ ra sao nếu không có mẹ vì mình đã trải qua time không có mẹ nên mình biết tương lai con sẽ khổ. Mình chỉ hy vọng ở Việt Nam các ông chồngcó thể hiểu và san sẻ với vợ nhiều hơn”.

Chị M.B.H (TP.HCM) trước đó dù chồng không hiểu nhưng may mắn rằng, khi thấy những biểu hiện lạ, chồng chị đã đưa vợ đi khám, cùng vợ vượt qua trầm cảm. Chị chia sẻ: “Chồng mình đưa vợ con đi khám nghe bác sĩ nói về trầm cảm, rồi đọc báo mới tin, an ủi mình. Không cho mình khóc nữa, bắt mình nghỉ ngơi, mẹ mà chửi thì ngăn lại để mình không tủi thân nữa. Đến tận bây giờ mình vẫn la con, kiềm chế lắm mới được. Đêm thấy có lỗi với con mà sao vẫn vậy. Rốt cuộc, vì nghĩ đến cảnh không ai chăm cho hai cha con nên mình phải ráng vượt qua”.

Chồng cùng vợ có trách nhiệm với con cái. (Ảnh Pinterest)

Chị N.T (HN) đã phát hiện ra mình bị trầm cảm, chị đã nhờ sự giúp đỡ từ tổ chức chính phủ: “Mình cũng từng bị trầm cảm sau sinh, ngay từ khi sinh về mình đã khóc suốt và không một chút tự tin làm mẹ tốt. Nghe tiếng con khóc mình chỉ muốn chết để không phải nghe nữa. Mình biết mình có bệnh và mình cần người giúp mình. Nên mình gọi điện thoại đến rất nhiều trung tâm - tổ chức chính phủ. Và chính phủ cử người đến thăm viếng giúp đỡ, tâm sự, gặp bác sĩ... Dần dần mình vượt qua được nhưng bản thân mình hiểu rõ, bệnh vẫn còn đó, chỉ cần mình thả lỏng bản thân thì sẽ rất dễ bị cơn giận và stress chi phối..., nên chiến đấu với trầm cảm sau sinh là cuộc chiến dài hơi”.

Chị H.V đã lường trước được căn bệnh mà gần 90% chị em sau sinh mắc phải nên chị cũng đã có “liệu pháp” cho chính mình: “Mình đúc kết lại là bệnh trầm cảm này 90% đến từ môi trường sống. Môi trường sống trong gia đình mọi người không hiểu nhau, không cảm thông sẻ chia với các mẹ mới sinh con, thêm áp lực từ gia đình chồng muốn chăm cháu theo ý mình, chồng vô tâm khiến các mẹ thấy như bị bỏ rơi, cô đơn một mình chiến đấu. Các mẹ cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó dễ dẫn đến các suy nghĩ tiêu cực như muốn chết, muốn bỏ con. Tất cả chỉ nhằm thoát khỏi bế tắc hiện tại. Chỉ cần có người tâm sự, đồng cảm là chứng trầm cảm này sẽ hết. Thế nên sinh con xong mình không tiếc tiền điện thoại buôn với chị em, bạn bè, để cân bằng tinh thần lại cho bản thân, vượt qua khó khăn mệt mỏi trong quá trình chăm con nhỏ. Khi các mẹ cảm thấy bức bách thì hãy nhấc điện thoại lên gọi cho người mà mình tin tưởng nhất để nói chuyện, sẽ thấy đỡ hơn đó”.

Những người mẹ sau sinh cần gì để không bị trầm cảm

Chị P.T.P (HN) cho biết: “Mình ở xa, lấy chồng ở Hà Nội. Sau khi sinh bố mẹ chồng muốn lúc nào cũng được nhìn thấy cháu nên không cho phép mình về quê. Mình đã ở một thời gian dài những ngày ở cữ trong sự tủi thân, nhớ quê ngoại, mong được mẹ đẻ an ủi, bế cháu, giúp đỡ những chuyện khó nói với mẹ chồng nhưng không được. Chồng đi làm cả ngày, có hôm đến tận khuya mới về rồi ngủ luôn. Một mình ôm con nằm khóc, nhiều lúc chỉ muốn bùng cháy và ôm con đi thật xa”.

Chị V.N cũng tâm sự: “Cứ thấy khóc là con đói hả, con buồn ngủ hả, trong khi nó vừa ngủ dậy, vừa bú xong. Còn không thì cứ trước giờ ăn cơm cứ cho bé lớn ăn bánh hay ăn vặt đủ kiểu. Rồi không bao giờ dạy bảo chỉ dẫn con những lúc con làm sai. Cứ cấm cản mà không giải thích. Mình không cần chồng phải biết ơn hay gì gì với mình trong việc nuôi dạy con, vì đó là niềm vui của mình. Chỉ cần hiểu những cố gắng của vợ mình (hiểu thực sự chứ không phải cái kiểu cứ nói "biết là ở nhà chăm con cực lắm mà thực ra là chẳng hiểu cực kiểu gì), hiểu khả năng của bản thân ở giới hạn nào để nghe người khác góp ý, hướng dẫn. Để tới bây giờ mọi thứ nó đã quá sức chịu đựng rồi thì khó mà có thể cân bằng lại nếu như bên kia không cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng cũng chỉ có chị em phụ nữ chúng mình hiểu nhau thôi”.

Trầm cảm sẽ không xuất hiện khi người chồng biết san sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng vợ. (Ảnh Pinterest)

Trầm cảm sẽ không bao giờ có cơ hội xuất hiện nếu như chị em phụ nữ luôn có chồng bên cạnh lo lắng, chăm sóc vợ, hiểu tâm tư tình cảm của vợ, cùng chăm con và cùng vợ vượt qua giai đoạn khó khăn sau sinh. Trầm cảm cũng sẽ không có cơ hội xuất hiện khi người mẹ biết nhận ra dấu hiệu của căn bệnh, để cố gắng vượt qua, tách mình khỏi những định kiến, những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường sống, tự tin chăm con theo khoa học mà mình đã tìm hiểu.

Mai Phương
Theo Vietnammoi

Từ khóa: