Sự kiện hot
13 năm trước

Tản mạn từ chuyện thưởng tết

Không biết từ lúc nào đã thành lệ, cứ vào dịp tết lại rộ lên chuyện thưởng. Kẻ nhiều người ít, hầu hết những ai làm công ăn lương đều có một số tiền mang tính chất bổ trợ vào thu nhập bình thường, gọi nôm na là tiền ăn tết.

Không biết từ lúc nào đã thành lệ, cứ vào dịp tết lại rộ lên chuyện thưởng. Kẻ nhiều người ít, hầu hết những ai làm công ăn lương đều có một số tiền mang tính chất bổ trợ vào thu nhập bình thường, gọi nôm na là tiền ăn tết.

Thưởng tết được cho là đem lại niềm vui cho người lao động, góp phần tạo không khí ấm cúng trong căn nhà (hay căn phòng trọ) của họ trong những ngày đầu xuân. Ảnh: Minh Cúc

Đất nước còn nghèo, đa phần người lao động làm lụng quần quật quanh năm mà vẫn không có dư. Thưởng tết trở thành cái gì đó được cho là đem lại niềm vui cho người lao động, góp phần tạo không khí ấm cúng trong căn nhà (hay căn phòng trọ) của họ trong những ngày đầu xuân.

Có thể điều này không đúng với những người nhận thưởng đến sáu, bảy trăm triệu đồng cho một cái tết: thưởng to như thế, thì hẳn trong những ngày thường, doanh nghiệp cũng đã trả lương cao và người nhận thưởng hẳn không cần dựa vào số tiền thưởng đó để ăn tết. Nhưng chắc chắn, đối với người lao động có thu nhập từ mức trung bình trở xuống, tiền thưởng tết thực sự là chìa khoá mở cánh cửa đón xuân; họ thực sự trông đợi nhận được số tiền này và thường đã hoạch định trước phương án sử dụng nó, chẳng hạn có thể chi đơn giản là mua thực phẩm dự trữ hoặc sắm ít quần áo mới, đồ đạc trang hoàng hay đi chơi; người thì trích được một ít tiền gửi về quê cho cha mẹ nghèo; người khác nhờ đó trả bớt nợ nần...

Vấn đề, ở tầm vĩ mô, là việc thưởng tết có tác dụng làm tăng lên một cách đột biến và đáng kể lượng tiền mặt lưu thông trong dân cư. Ngày thường chỉ thấy có tiền lương; ngày tết thì ngoài lương còn có tiền thưởng. Theo đúng các quy luật của thị trường, một khi tiền xuất hiện nhiều hơn trong lưu thông so với hàng hoá, thì hàng tự nhiên sẽ tăng giá.

Mà đúng là năm nào giá cả mọi thứ cũng tăng vọt vào dịp tết, từ sản phẩm tiêu dùng cho tới dịch vụ. Có thêm tiền, nhưng người lao động lại phải chi trả ở mức cao hơn so với ngày thường. Rốt cuộc, tiền thưởng tết có thể không giữ được vai trò thu nhập tăng cường cho người lao động như dự kiến ban đầu, mà chẳng khác một khoản trợ cấp giúp người ta trụ được giữa đợt giông bão tăng giá phi mã và trong điều kiện có nhiều nhu cầu chi tiêu hơn, do tết.

Muốn đồng tiền giữ được sức mua ổn định, một trong những điều kiện cần là nó không xuất hiện trong lưu thông ở một thời điểm nào đó với khối lượng quá lớn. Sẽ tốt hơn nếu tiền thưởng tết được nhập vào tiền lương và chi trả cho người lao động trong những điều kiện bình thường, không đột ngột, ồn ào.

Về bản chất, thưởng tết có thể được coi là một món quà của chủ dành cho người làm công, nhưng cũng có thể là một hình thức trả lương bổ sung: trong năm người lao động lãnh lương một phần lớn và theo định kỳ; phần còn lại chủ giữ đó, chờ đến tết mới trả.

Nhưng dù có tính chất nào, thì thưởng tết, và nói chung các khoản tiền thưởng mà người lao động nhận được ngoài lương chính thức, chỉ thực sự có ý nghĩa một khi nó giúp cải thiện năng lực ngân sách và khả năng chi tiêu của cá nhân, gia đình. Có một đồng, mua được một món; thì có hai đồng phải mua được hai món. Muốn đồng tiền giữ được sức mua ổn định, một trong những điều kiện cần là nó không xuất hiện trong lưu thông ở một thời điểm nào đó với khối lượng quá lớn. Bởi vậy sẽ tốt hơn, nếu tiền thưởng tết được nhập vào tiền lương và chi trả cho người lao động trong những điều kiện bình thường, không đột ngột, ồn ào.

Ở các nước tiên tiến, không có chuyện thưởng nhân dịp Noel và tết dương lịch. Thu nhập của người lao động trên nguyên tắc được thanh toán theo các thoả thuận đã ghi nhận trong hợp đồng lao động, nghĩa là ổn định suốt năm. Tự người được trả lương phải xây dựng kế hoạch chi tiêu dựa vào thu nhập như thế nào đó, để đến những ngày lễ hội, người ta có đủ khả năng tài chính chi trả cho những nhu cầu đặc thù chỉ phát sinh vào những dịp đó.

Những ngày cuối năm, các siêu thị thường mở cửa sớm vào cả thứ bảy, chủ nhật và đóng cửa rất muộn, với nguồn hàng rất dồi dào, đa dạng; trong khi đó, tiền bạc thì vẫn chỉ đến với người ta theo nhịp điệu bình thường. Bởi vậy, thường xuất hiện một xu hướng giảm giá mạnh mẽ để kích thích tiêu dùng. Với xu hướng đó, người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ mua được hàng giá rẻ. Về phần mình, nhà sản xuất, phân phối bán hàng được nhanh và nhờ đó giảm được phí lưu kho, bảo quản; giá hạ, nhưng nhờ bán được nhiều, số lợi nhuận tuyệt đối cũng không giảm. Nói tóm lại, với cơ chế thu nhập và tiêu dùng đó, cả người lao động và các ông chủ, cũng như người tiêu dùng và nhà sản xuất, phân phối đều có điều kiện có được những niềm vui nhân những ngày nghỉ cuối năm.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện
Theo Sai gon tiep thi

Từ khóa: