Sự kiện hot
12 năm trước

Tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu?

Dantin - Những ngày qua, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm. Trong khi người dân mong chờ giá xăng được điều chỉnh giảm theo giá thế giới thì bất ngờ xăng dầu trong nước tăng thêm gần 1.500 đồng/lít lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít.

Dantin - Những ngày qua, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm. Trong khi người dân mong chờ giá xăng được điều chỉnh giảm theo giá thế giới thì bất ngờ xăng dầu trong nước tăng thêm gần 1.500 đồng/lít lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít.

Không thuyết phục

Ngay sau khi giá xăng điều chỉnh tăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định quyết định của Bộ Tài chính là hợp lý.

Một trong những lý do mà Liên bộ đưa ra là giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.

Các chuyên gia kinh tế tỏ ra không đồng tình với lý do này và cho rằng: Đó là trách nhiệm của Bộ Công thương, không được bắt người dân gánh chịu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng lý do tăng giá xăng để chống buôn lậu là “ngụy biện”. Lấy ví dụ với nước kề bên là Trung Quốc, vị chuyên gia này thắc mắc: “Tại sao Trung Quốc lại điều hành được, khi giá thế giới tăng họ lại giảm, giá thế giới giảm họ cũng giảm mà mình lại tăng trong khi giá thế giới giảm?”.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới không ảnh hưởng nhiều tới thị trường nhiên liệu trong nước. Mặt khác, chống buôn lậu xăng dầu là trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.

“Bộ Công Thương có Cục Quản lý thị trường mà lại để nguyên liệu chảy qua nước ngoài trong bối cảnh giá trong nước thấp hơn. Đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương”, ông Long nói.

Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới không đáng kể. Mặt khác, việc chống buôn lậu phải do cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường chịu trách nhiệm.

“Người tiêu dùng không thể chấp nhận được lý do này. Đó là ngộ nhận trong quản lý. Cơ quan Quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm, không được bắt người dân phải chịu”, ông Phú phân tích.

Phản bác lý do tăng giá xăng của Bộ Tài chính là do buôn lậu, Cục trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Nguyễn Quang Đạm đặt câu hỏi: Vàng, thịt lợn tăng giá có phải do buôn lậu không?

“Thử hỏi nhiều mặt hàng tăng giá như vàng, thịt, rau xanh…. tăng giá có phải do buôn lậu xăng dầu không? Nên nói do tình hình buôn lậu xăng dầu gia tăng nên phải tăng giá bán lẻ trong nước là không đúng, tôi nghĩ phải do nguyên nhân sâu xa hơn”, Thiếu tướng Đạm nhận định.

Hậu quả kép

Việc tăng giá xăng dầu kỷ lục ngày 28/3 khiến người tiêu dùng choáng váng. Các chuyên gia cho rằng, điều hành giá xăng dầu của Liên bộ Tài chính-Công Thương đang đi ngược lại với tuyên bố “điều hành theo cơ chế thị trường” trước đó các Bộ đã đưa ra.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng giá xăng dầu đã đi ngược quy luật thị trường, thể hiện phương pháp điều hành giật cục, tùy tiện của các bộ. Việt Nam phải nhập 70% xăng trên thị trường thế giới nên điều hành giá xăng phải linh hoạt nhạy bén, tuân thủ và vận hành theo luật kinh tế thị trường. Về nguyên lý, giá xăng dầu trong nước phải tăng- giảm theo giá thế giới. Việc tăng giá xăng kỷ lục ngày hôm qua đã đi ngược quy luật: giá thế giới giảm nhưng giá trong nước tăng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các cơ quan điều hành điều chỉnh tăng giá xăng để “kéo” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 lên cao sau khi giảm nhẹ vào tháng 3. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác dụng ngược: sức mua thấp; tồn kho tăng cao; nợ xấu khó giải quyết; tín dụng không luân chuyển; tăng trưởng gặp nhiều khó khăn…“Nền kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát”, ông Long nói.

Thảo Nguyên

Từ khóa: