Sự kiện hot
13 năm trước

Tăng thu nhờ chống thất thu

Nhờ tích cực chống thất thu và nợ đọng thuế, nên thu ngân sách cả năm 2011 vẫn đạt 647.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với năm 2010.

Nhờ tích cực chống thất thu và nợ đọng thuế, nên thu ngân sách cả năm 2011 vẫn đạt 647.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với năm 2010.

Mở đầu Báo cáo Đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2011, Bộ Tài chính đã đề cập công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chống thất thu thuế; đấu tranh chống chuyển giá, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản và thuế xuất-nhập khẩu. Đây được coi là một trong những thành công đáng ghi nhận nhất trong năm 2011 của ngành tài chính.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2011, ngành thuế đã thu hồi 67% số nợ thuế năm 2010 chuyển sang, với tổng số tiền lên tới 18.039 tỷ đồng, ngành hải quan đã xử lý thu trên 709 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Thành công nổi bật thứ 2 trong công tác điều hành tài chính - ngân sách năm 2011 là cơ cấu chi khá tích cực.

Cụ thể, thay vì “ưu tiên” chi thường xuyên như những năm trước đây, năm 2011 tập trung chi cho đầu tư phát triển (đạt 175.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với dự toán); chi trả nợ và viện trợ (đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với dự toán) để kịp thời thanh toán các khoản nợ đã cam kết và hoàn trả một phần các khoản nợ vay ngắn hạn để giảm áp lực bố trí trả nợ của các năm sau.

Giảm nợ công, giảm bội chi là thành công đáng kể thứ ba của ngành tài chính trong năm 2011.

Mặc dù vậy, thu ngân sách vẫn còn tình trạng thất thu, nhất là các khoản thu từ đất đai, kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực ngoài quốc doanh và thu từ doanh nghiệp FDI. Gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra phổ biến, nhất là ở các trung tâm kinh tế. Công tác quản lý thu thuế có nơi, có lúc còn bị buông lỏng dẫn tới nợ đọng thuế vẫn phát sinh, việc truy thu số thuế nợ đọng vẫn còn hạn chế...

 Năm 2012, ngành tài chính lường trước rất rõ những khó khăn trong việc bảo đảm cân đối thu - chi, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội… Vì vậy, 10 nhóm giải pháp, với 30 giải pháp cụ thể đã được đặt ra.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để chống thất thu, bảo đảm thu tăng từ 5 đến 8% so với dự toán của Quốc hội, kiềm chế lạm phát… năm 2012,  ngành tài chính đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công; thúc đẩy tái cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...

“Phải thực hiện đổi mới căn bản cơ chế tài chính đối với các lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị về cả tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, gắn với lộ trình xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ, giảm dần tình trạng cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào hoạt động của đơn vị sự nghiệp công”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đối với nhóm nhiệm vụ tái cấu trúc lại DNNN, Bộ Tài chính đã lên kế hoạch xây dựng, ban hành tiêu chí phân loại DNNN để làm căn cứ xác định cơ cấu sở hữu vốn cho từng loại DNNN; trên cơ sở phân loại, thực hiện đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, giao bán khoán cho thuê và giải thể.

“Trong năm 2012, bên cạnh việc rà soát, phân loại, đẩy nhanh cổ phần hóa sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là với các DN xăng dầu, than, điện... để xác định đúng lãi - lỗ, thúc đẩy công khai,

minh bạch. Đồng thời, yêu cầu DN kinh doanh các mặt hàng này phải tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, từ đó giảm giá thành sản phẩm”, ông Huệ cho biết.

Mạnh Bôn
Theo Dau tu

Từ khóa: