Sự kiện hot
6 năm trước

Tập đoàn Đại Cường: Bước ngoặt từ việc ‘bơm máu’ cho Đức Quân

Tập đoàn Đại Cường và Công ty Đức Quân một thời đều do ông Lê Mạnh Thường giữ chức Chủ tịch HĐQT. Năm 2015, Đại Cường có pha “bơm máu” gần 350 tỷ đồng bằng tài sản, tiền mặt giúp Đức Quân phát triển. Còn Đại Cường dần sa sút, liên tục báo lỗ và nợ thuế.

tap-doan-dai-cuong

Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường được thành lập năm 2002, với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần sợi Đại Cường do ông Lê Mạnh Thường làm chủ. Ban đầu, doanh nghiệp này chỉ có một nhà máy qui mô nhỏ với 60 lao động.

Song từ năm 2005 đến 2010, Tập đoàn Đại Cường liên tục phát triển khi đưa thêm 3 nhà máy sợi CD, Fe (chỉ số Ne 30 - 60) vào hoạt động. Đến năm 2011, Đại Cường tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sợi thứ 6, với qui mô 40.000 cọc sợi, đưa tổng công suất 6 nhà máy đạt 140.000 cọc và 17 ngàn tấn sợi/năm, phục vụ ngành dệt trong nước và xuất khẩu.

Tính đên trước tháng 2/2017, Tập đoàn Đại Cường có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là: ông Lê Mạnh Thường góp 239,5 tỷ đồng, tương đương 47,9% quyền biểu quyết. Các ông Nguyễn Thanh Hải và Phạm Trường Giang nắm lần lượt 15,5% và 36,6% tỷ lệ chi phối.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Đại Cường, tổng tài sản của công ty là 1.000 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả lên đến hơn 584 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2016 chỉ còn 423 tỷ đồng (trong khi vốn góp là 500 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 77 tỷ đồng.

Vì sao từ một doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt lại trở nên sa sút như vậy?

Cần phải nhắc lại trước đó, năm 2015, Đại Cường có cuộc “bơm máu” khủng cho người “anh em” là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đức Quân (HOSE: FTM).

Đức Quân tiền thân là Công ty TNHH Dệt Đại Cường Thái Bình với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Năm 2013 chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ 150 tỷ đồng và cũng do ông Lê Mạnh Thường làm Chủ tịch HĐQT.

Trong năm 2015, Đức Quân có hai đợt tăng vốn dưới hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ cho Tập đoàn Đại Cường.

Trong lần tăng vốn đợt 1 diễn ra vào ngày 16/9/2015, Đức Quân tăng vốn từ 150 tỷ đồng lên 430 tỷ đồng, thông qua việc tăng vốn dưới hình thức góp vốn bằng tài sản của Tập đoàn Đại Cường bao gồm phân 1 (6.700 Roto), phân xưởng 2 (17.640 cọc) và nhà máy Tiền Hải (45.696 cọc).

Đợt tăng vốn thứ 2 diễn ra vào ngày 31/12/2015 từ 430 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, dưới hình thức góp vốn bằng tài sản, bao gồm: nguyên vật liệu, phụ tùng tồn kho, hệ thống phần mềm quản lý có tổng giá trị 41,2 tỷ đồng và tiền mặt để bổ sung vốn lưu động là 28,8 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các phân xưởng, tiền mặt của Đại Cường được huy động để giúp Đức Quân phát triển. Trong đó đáng lể nhất là việc chuyển giao nhà máy Tiền Hải.

Theo tính toán của Đức Quân, riêng nhà máy Tiền Hải sẽ giúp FTM đạt doanh thu 900 tỷ đồng trong năm 2016.

Ngày 6/2/2017, 50 triệu cổ phiếu FTM của Đức Quân được niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE).

Trong cơ cấu cổ đông của Đức Quân hiện nay, ông Lê Mạnh Thường sở hữu 5,1 triệu cổ phiếu FTM, tương đương 10,2% quyền biểu quyết; con gái ông – Lê Thùy Anh – nắm giữ 10.766.500 cổ phần (21,5%). Và một số người thân của ông Thường cũng có góp mặt tại Đức Quân.

Sau đợt “bơm máu” 350 tỷ đồng cho Đức Quân, Tập đoàn Đại Cường có một số thay đổi. Vào tháng 2/2017, ông Lê Mạnh Thường không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT, người thay ông Thường là ông Đỗ Văn Thuấn.  Ông Thuấn được biết đến với vai trò khác là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tân Phú.

Theo nguồn tin của PV Nhadautu.vn, tính đến cuối năm 2018, Tập đoàn Đại Cường đang nợ hơn 5 tỷ đồng tiền thuế.  Đại Cường cũng từng được giới thiệu là chủ đầu tư dự án 2.000 tỷ đồng ở Thái Bình là New City Thái Bình.

Thủy Tiên
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: