Sự kiện hot
3 năm trước

Tập đoàn Masan (MSN): “Cải tổ” hiệu quả Vincommerce

PHS cho biết, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) ghi nhận doanh thu trong nửa đầu năm 2021 đạt 41.196 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 44.,7% kế hoạch năm, được thúc đẩy bởi tăng trưởng hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt mát và hàng tiêu dùng có thương hiệu và hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.

Đẩy mạnh “cải tổ” Vincommerce - Ảnh minh họa (Internet).

Trong báo cáo được cập nhật mới đây đối với CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Masan đạt 979 tỷ đồng, tăng 8,4 lần so với nửa đầu năm 2020 nhờ VCM cải thiện lợi nhuận mạnh mẽ;

Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu cao hơn của MSN tại MCH và lợi nhuận của MCH tiếp tục duy trì mức cao;

Ngoài ra, tăng trưởng vượt bậc của mảng thịt mát và thức ăn chăn nuôi và duy trì biên EBITDA ở mức 9%. Các yếu tố trên đã bù đắp được khoản chi phí lãi vay do Tập đoàn tăng các khoản vay để tăng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX và VCM.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết: “Chúng tôi ước tính doanh thu thuần MCH tăng 40% trong quý III/2021 hưởng lợi từ tăng nhu cầu tiêu dùng tại nhà đối với thực phẩm tiện lợi, gia vị và thịt chế biến. Biên lãi gộp ước tính ở mức 40%, thấp hơn mức 42,9% do giá cả hàng hóa đầu vào tăng mạnh. MCH vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của MSN với mức tăng trưởng hơn 20% trong 2022 nhờ vào các phát kiến mới và chiến lược cao cấp hóa danh mục”.

Cũng theo PHS, Masan đặt mục tiêu nâng công suất các nhà máy chế biến thịt lên 25 - 30% trong quý IV/2021 so với hiện tại là 11%. Ước tính doanh thu từ thịt mát sẽ đạt 220 triệu USD trong năm 2021. Bên cạnh đó, mảng thức ăn chăn nuôi tăng trưởng trở lại nhờ quá trình tái đàn vẫn đang diễn ra ổn định. MML có thể đạt 30% doanh thu trong 2022 nhờ khả năng thâm nhập thị trường sâu hơn của mảng thịt mát.

Doanh thu VCM giảm 8,5% do số lượng điểm bán giảm và ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 đến hệ thống siêu thị Vinmart. Tuy nhiên, biên EBITDA dương trong 3 quý liên tiếp, đạt 2,1% trong nửa đầu năm 2021 nhờ cải thiện biên lợi nhuận thương mại, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng. Ngoài ra, VCM cũng tăng tốc đẩy mạnh hợp tác với Lazada để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng được mua sắm với tần suất hàng ngày trên kênh online.

Masan Resource - trở thành nhà chế biến vật liệu công nghiệp cận sâu: Với việc sáp nhập mảng kinh doanh vonfram của HCS, các sản phẩm chế biến sâu như hóa chất vonfram và vonfram cacbua có vai trò quan trọng trong các tiến bộ công nghệ mới nhất trên thế giới, hiện chiếm 68% doanh thu. MHT tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị cao trong năm 2022, ước tính doanh thu tăng 40%.

“Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MSN trong 2022 lần lượt đạt 122.051 tỷ đồng (tăng 32% so với năm trước) và 7.375 tỷ đồng (tăng 141%) nhờ tăng trưởng đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Bằng phương pháp SOTP (Sum-of the-part) đối với giá trị vốn chủ sở hữu đóng góp của các công ty con: MCH, MML, MHT, VCM và công ty liên kết Techcombank, chúng tôi đưa ra giá trị hợp lý của MSN khoảng 171.800 đồng/ cổ phiếu, từ đó chúng tôi khuyến nghị mua cho cổ phiếu này” – Chứng khoán Phú Hưng cho biết.

Rủi ro: Cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ; Dịch bệnh trong chăn nuôi; Rủi ro biến động giá khoáng sản toàn cầu; Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; Rủi ro chu kỳ hệ thống ngân hàng.

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, cổ phiếu MSN giảm 0,74% xuống còn 134.000 đồng/cổ phiếu.

Nhật Minh

Theo KTDU

Từ khóa: