Hiệp hội taxi cho rằng có gần 50.000 "taxi công nghệ" tham gia thí điểm nhưng báo cáo của Bộ GTVT chỉ có gần 30.000.
Taxi truyền thống gặp khó khăn khi "taxi công nghệ" bùng nổ. Ảnh: Di Linh
Gần 30.000 xe tham gia thí điểm?
Liên quan đến việc nhiều hãng taxi truyền thống kiến nghị dừng thí điểm "taxi công nghệ" Grab-Uber, theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT mới có đánh giá thực trạng triển khai loại hình này.
Cụ thể, thời gian qua, Bộ GTVT nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP HCM) đề nghị xem xét tạm thời chưa chấp thuận thêm đơn vị thí điểm nhằm tránh gia tăng phương tiện, ảnh hưởng quy hoạch, nguy cơ gây ô nhiễm.
Về vấn đề này, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị xin tham gia thí điểm gửi đề án đến các địa phương (nơi xin thí điểm) để có ý kiến bằng văn bản chính thức. Từ đó, Bộ GTVT sẽ xem xét, quyết định.
Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội và TP HCM đang phối hợp với các đơn vị thí điểm để rà soát danh sách phương tiện và yêu cầu các Công ty cung cấp công nghệ phối hợp để báo cáo về số lượng phương tiện; đồng thời đang chuẩn bị tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị vận tải có phương tiện tham gia thí điểm.
Đáng chú ý là theo Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 8/2017, có 905 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 29.810 xe tham gia thí điểm.
Trao đổi với chúng tôi về con số trên, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết tại Hà Nội số lượng xe hợp đồng hoạt động như taxi là khoảng 25.000 và TP HCM cũng tương tự.
"Như vậy, số lượng xe hợp đồng hoạt động như taxi lên tới khoảng 50.000 xe chứ không phải gần 30.000. Con số của chúng tôi đưa ra dựa vào tem của phía Grab, Uber cấp ra để tính số lượng.
Hiện nay, Grab-Uber có hai chính sách đó là xe chính thức thì phát tem dán nhưng xe không chính thức vẫn được mở cho chạy thử. Đây là lý do khiến số xe tham gia tăng nhanh", ông Bình cho biết.
Xe ôm, taxi công nghệ đang được nhiều người dân lựa chọn. Ảnh: Di Linh
Nhiều đơn vị tham gia thí điểm vi phạm
Được biết, theo đánh giá về hoạt động thí điểm của Bộ GTVT thì có hiện tượng hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hiện hành, như:
Không có phù hiệu xe hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đổi với Nhà nước theo quy định.
"Số lượng phương tiện tăng nhanh, xe không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vị hoạt động như xe taxi dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả cao", Bộ GTVT nêu một số hạn chế.
Về biện pháp, Bộ GTVT cho biết sẽ đưa ra một chương trong Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định đối với việc ứng dụng khoa hoạc công nghệ hỗ trợ quản lý hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng (được phép sử dụng hợp đồng điện tử tương đương hợp đồng bằng văn bản).
Điều này nhằm quản lý, gắn trách nhiệm của 4 đối tượng gồm: Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải, người lái xe, hành khách; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Sở GTVT liên quan đến hoạt động này.
Bộ cũng giao Sở GTVT các tỉnh, TP sà soát tuyến đường, phố có biển báo cấm xe taxi thì đồng thời đề xuất UBND cấp tỉnh cho phép bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh.
"Các đơn vị tham gia thí điểm thực hiện nghiêm các nghĩa vụ nộp thuế theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính", Bộ GTVT yêu cầu.
Bình Minh
Theo ĐSPL, Vietnammoi