Dantin - Hầu như teen nào đi xe buýt đến trường cũng... than trời!
Dantin - Hầu như teen nào đi xe buýt đến trường cũng... than trời!
Vì sao xe buýt bị ghét?
Mỏi chân vì chờ đợi tuyến buýt 29 đã gần một tiếng, cậu bạn Hoàng Minh Tùng (học sinh lớp 11, trường THPT Nhân Chính) than thở: “Tớ định bụng, hôm nay thi xong, được nghỉ sớm một chút, tớ sẽ về qua nhà đánh chén một bữa cơm mẹ nấu no nê, sau đó đến lớp học thêm. Vậy mà, giờ đã tới giờ học thêm rồi, đợi xe buýt lâu quá tớ đành chén tạm cái bánh mì cho đỡ đói”.
Học sinh trường Ams thường xuyên bị xe buýt bỏ bến, không dừng đúng điểm
Nhà của Minh Tùng ở đường Trường Chinh. Hàng ngày, cậu bạn đều bắt tuyến buýt 29 đi học về. Nhưng để bắt được tuyến xe này thường phải chờ đợi rất lâu. Nếu muốn đi nhanh hơn, Tùng chỉ còn cách đi bộ, hoặc đi nhờ bạn ra đường Nguyễn Trãi để tiện bắt nhiều xe.
“Chưa kể, tại điểm đỗ xe đó, không có nhà chờ, nên hôm nào trời mưa gió chúng tớ rất khổ vì chẳng biết trú tạm vào đâu. Mỗi người một cái ô đứng dầm mưa chờ xe buýt".
Hoàng Minh Tùng (học sinh THPT Nhân Chính)
Khác với Minh Tùng, Phương Lan (lớp 10 Ams) lại bày tỏ: “Tớ ghét tuyến buýt ở gần trường lắm. Chẳng lúc nào chúng tớ được các bác tài xế dừng ở đúng điểm chờ. Khi đi qua điểm trường, chúng mình cứ phải nói to: “Cho cháu xuống với”, thì bác tài xế mới mở cửa. Lúc đó thì chỉ còn cách đi bộ ngược lại mấy trăm mét”.
Trước cổng trường Ams có tới tận 2 điểm dừng xe buýt để cho các bạn ấy tiện đi học. Nhưng kỳ thực, dân trường Ams lại "khốn khổ" vì bị... bỏ bến.
Có 4 tuyến xe đi qua trường: 05, 29, 30 và 44. Theo khảo sát của chúng tớ trong buổi sáng hôm nay tuyến 44 đã bỏ bến 4 lần, mặc người đứng đợi. Hễ đến điểm dừng này, phần lớn các lái xe 44 đều lao thẳng về phía trước như không có một biển báo điểm dừng xe buýt nào được đặt.
Duy Anh (lớp 11 Ams) chia sẻ: “Xe buýt 44 thường xuyên bỏ bến tại đây khiến chúng tớ rất bất bình. Nhiều hôm được nghỉ học tớ cũng không thể về nhà nghỉ sớm được. Đây là một trong những lí do tớ không bao giờ muốn đi xe buýt nữa".
Dần dần, những học sinh đi xe buýt 44 không còn chờ xe tại điểm dừng này nữa, mà phải đi bộ lên điểm dừng tiếp theo cách đó khá xa hoặc phải chọn một con đường và phương tiện đi học khác. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến học tập và cuộc sống của các bạn ấy.
Học sinh trường PTDL Hồ Xuân Hương đã đứng đợi gần 1 tiếng đồng hồ nhưng vẫn
chưa lên được xe buýt.
Học sinh trường PTDL Hồ Xuân Hương cũng ngao ngán mỗi khi nghĩ đến những tuyến xe buýt. “Nếu đi vào giờ cao điểm, tuyến 39 tớ thường đi học rất hay bỏ bến, vì khách quá đông. Nếu may mắn len được lên dòng người đông đúc này, thì cũng bị chèn ép đến nghẹt thở. Chưa kể phải lo bảo quản đồ đạc cá nhân như ví, điện thoại…” - Mỹ Linh (lớp 12 trường PTDL Hồ Xuân Hương) cho hay.
Nhiều lần đứng đợi đến 3 chuyến xe 39 chạy qua không lên được, Linh đành phải bắt xe ôm tới lớp luyện thi cho kịp giờ học.
Phải đi xe buýt vì... không còn lựa chọn nào khác
“Nếu có lựa chọn khác, tớ dám chắc đến 90% teen chả ai muốn đi xe buýt. Đằnh rằng đi xe buýt tiện lợi, rẻ và an toàn. Nhưng đấy là đối với một số tuyến thôi, chứ những tuyến mà hàng ngày chúng tớ đi học thì thật khủng khiếp. Tớ không thể lóc cóc đạp 6 cây số tới trường, cũng không thể đi xe máy vì tớ chưa có bằng lái xe… nên chỉ còn cách duy nhất là trung thành với xe buýt” - Minh Tùng cho hay.
Rất nhiều bạn đã chọn giải pháp đi xe đạp thay cho xe buýt
Nhiều bậc phụ huynh cho con đi học bằng xe buýt một thời gian thấy quá nhiều bất cập nên tạm thời thuê xe ôm đưa đón con đi học. “Tớ cũng định đạp xe đi. Nhưng những hôm rét mướt, mưa to thì đúng là khổ thật. Mẹ tớ thuê bác xe ôm gần nhà đưa đón. Tớ thấy tiện và khỏe hơn nhiều so với việc đi xe buýt, tuy nhiên hơi tốn kém kinh phí hàng tháng của bố mẹ”, cô bạn Mỹ Linh phân trần.
Nhiều teen đã nghĩ đến phương án mua xe đạp điện hoặc đạp xe đạp nếu nhà không ở quá xa. Đa phần, số còn lại vẫn trung thành với xe buýt. Dù có “than trời kể khổ” đến đâu, các bạn ấy vẫn chẳng còn giải pháp nào khác hơn là sống chung với nó!