Sự kiện hot
13 năm trước

Teen mang dao kiếm đến trường để lấy "số"

Môi trường học đường vốn dĩ bình yên và an toàn nhưng giờ đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn học sinh hành xử nhau theo kiểu xã hội đen. Hiện tượng học sinh mang dao, kiếm đến trường để dọa nạt, "xử" nhau tuy không nhiều nhưng vẫn âm thầm diễn ra.

Môi trường học đường vốn dĩ bình yên và an toàn nhưng giờ đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn học sinh hành xử nhau theo kiểu xã hội đen. Hiện tượng học sinh mang dao, kiếm đến trường để dọa nạt, "xử" nhau tuy không nhiều nhưng vẫn âm thầm diễn ra.

Chào hỏi "ma mới" bằng dao, kiếm


Nỗ lực ngăn chặn bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng vấn nạn bạo lực học đường vẫn có xu hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, tình trạng học sinh mang dao, kiếm đến trường đang đe dọa sẽ làm "vấy máu" môi trường học đường

N. Hải, nam sinh một trường THPT trên quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết vào đầu năm học, các "đại ca" trong trường thường có màn "thị uy" với học sinh mới nhập trường bằng cách khoe "đồ". Hải kể: "Hôm thứ hai vừa rồi, thằng bạn mình vừa bước chân vào nhà vệ sinh đã thấy 3 tên đầu gấu khét tiếng trong trường đứng trò chuyện với nhau, trên tay cầm con dao găm sắc lẹm. Hãi quá, chưa kịp "đi" nó phải chuồn thẳng. Léng phéng ở đó là "ăn đạn" ngay."

Một học sinh trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam bị bạn dùng dao chém trọng thương ngay trong lớp học (Ảnh VNN)


"Những người cũ trong trường biết tiếng của các đại ca rồi, còn người mới thì chưa nên phải khoe "đồ" để lấy uy. Chỉ cần "khoe" với một đứa, rồi đứa nọ truyền tai đứa kia là khét tiếng ngay", Hải nói thêm.

Quang sói, khét tiếng trường T.N.T một thời vì quậy phá, đánh nhau bật mí: "Trường nào mà chẳng có băng nhóm đại ca cầu đầu. Việc mang dao đến trường để dọa nhau là chuyện thường, chẳng qua diễn ra ở chỗ vắng vẻ và chưa có đổ máu nên nhà trường không phát hiện ra."

Quang cho biết, mỗi khối lớp thường có một "băng nhóm" đứng đầu, nhóm nào "có uy" hơn cả sẽ bao quát cả trường. Nhóm cầm đầu ra trường thì đầu năm học sau các nhóm còn lại sẽ đấu đá, dương oai để tranh giành địa bàn. Thời điểm đó các nhóm thường mang theo "đồ" vào trường để thể hiện sự chịu chơi, lấy "số má" với nhau hoặc thỉnh thoảng giờ ra chơi lôi ra nghịch, vào nhà vệ sinh "chào hỏi" học sinh lớp 10 mới vào trường.

"Tuổi ấy là ngựa non háu đá nên hiếu thắng và thích thể hiện bản thân. Thấy thằng nào ngứa mắt thì gây sự, cự lại thì oánh. Với những đứa hiền thì im lặng chịu đựng, còn đứa nào lắm mồm mách đàn anh thì kiểu gì cũng có bữa gặp nhau giải quyết bằng dao kiếm", Quang nói. 

Nhận diện "đại ca" học đường


Theo tìm hiểu của PV, loại vũ khí được các "đại ca" học đường ưa chuộng là dao găm, dao bấm vì loại này có thể gấp lại nhỏ gọn, dễ dấu trong cặp sách, túi quần. Loại kiếm ống biến tấu từ kiếm Nhật cũng được ưa chuộng vì vỏ được ngụy trang là một thanh sắt tròn dài khoảng 40 cm, đến khi tuốt vỏ lắp thành kiếm sẽ có độ dài khoảng 70 cm.

Đ. Tuấn, một người am hiểu về dân "anh chị" bật mí: "Chỉ mấy thằng chíp thích nghịch, đầu gấu đầu mèo thì mới hay mang đồ đó trong người, còn học sinh bình thường ít khi mang, kể cả những đứa bị bắt nạt. Mà bọn này nó chỉ mang dao nhỏ theo người thôi, còn nó đã cầm dao phớ vào trường rồi thì kiểu gì hôm đấy cũng có chuyện, sau giờ học ở cổng trường hoặc nơi nào đó trên đường về. Tụi này tuy manh động nhưng thường chỉ mang theo để dọa tinh thần nhau thôi chứ ít thằng đủ gan rút dao xiên nhau trong trường lắm"

Hỏi về mục đích mang dao đến trường, Tuấn nói: "Có hai loại, hoặc là có mục đích sẵn từ nhà là hôm nay đến để dọa thằng này hay để xử thằng kia. Hoặc là cứ dắt trong người kiểu cần là rút ra dùng".

Tuấn cũng cho biết, với những teen "gấu mèo" đã có kinh nghiệm dùng "đồ" thì không bao giờ để người khác biết chúng định làm gì. Còn với những teen mới tập tọe dùng "đồ" có thể đoán biết được hôm nào chúng mang "đồ" theo qua biểu hiện bên ngoài ví dụ như cứ dấu dấu diếm diếm một thứ gì đó, không đi trước mặt người khác mà cứ đi sau lưng...

Chuyện học sinh mang dao, kiếm đến trường để dọa nạt, "xử" nhau là một "thế giới ngầm" vẫn đang tồn tại trong trường học. Tuy chưa đến mức bùng nổ nhưng vẫn gây hoang mang, lo sợ cho các em học sinh. Điều này cho thấy những biện pháp ngăn chặn đưa ra vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đã đến lúc cần gióng thêm một hồi chuông mạnh mẽ cảnh báo nạn bạo lực học đường.

Bạo lực học đường tiếp tục diễn biến phức tạp

Tại hội thảo quốc gia “Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do bộ GD&ĐT phối hợp bộ LĐTBXH, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội tháng 9/2010, ông Nguyễn Đình Mạnh, phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh - sinh viên, bộ GD&ĐT cho biết, từ đầu năm học 2009 - 2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau. Các trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn 735 học sinh.

Riêng năm học 2009 - 2010, có 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người. Cứ 5.260 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có một vụ học sinh đánh nhau; 10.000 học sinh thì có một em bị kỷ luật khiển trách; 5.555 học sinh thì có một em bị kỷ luật cảnh cáo; cứ 11.111 học sinh thì có một em bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau.

Kim Minh
Theo Vietnamnet

Từ khóa: