Từng là xã nghèo của huyện Đồng Hỷ nhưng những năm gần đây đời sống kinh tế - xã hội ở Văn Hán ngày càng khấm khá. Trong đó, chè được lựa chọn là cây trồng mũi nhọn, đem lại phần lớn thu nhập cho người dân.
Vì vậy, cây chè được địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm phát triển. Đến nay, xã Văn Hán đã trở thành vựa chè lớn nhất của huyện Đồng Hỷ với quy mô với gần 1.000 ha, được chăm sóc bởi những nông dân có kinh nghiệm, phương pháp canh tác an toàn.
Xã Văn Hán hiện có diện tích chè lớn nhất của huyện Đồng Hỷ với gần 1.000 ha. Thời gian vừa qua, địa phương đã tuyên truyền, hỗ trợ các hộ sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật được giám sát, thực hiện theo các quy định bắt buộc. Từ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chè liên tục được nâng cao, giá chè tăng khoảng 8 - 10% so với trước đây.
Trong đó, HTX Chè Hà Thái đã có hơn 20 năm sản xuất các sản phẩm chè. Hiện nay, đơn vị đang bán ra thị trường trên 20 loại sản phẩm, trong đó, có những sản phẩm được bán với giá đến 10 triệu đồng/1kg. Để có những sản phẩm chất lượng với giá thành cao, đơn vị đã chú trọng đến sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ.
Xã Văn Hán hiện có diện tích chè lớn nhất của huyện Đồng Hỷ với gần 1.000 ha - Ảnh: Sơn Thủy
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty Chè Hà Thái cho biết: "Để nâng cao giá trị sản phẩm chè thì yếu tố quan trọng nhất của việc sản xuất, kinh doanh chè là phải làm từ gốc. Chúng ta phải thay đổi hoàn toàn để sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ 100%, có sản phẩm hữu cơ thì chế biến tinh, chế biến sâu và chế biến đa dạng hóa các sản phẩm để đưa vào tất cả các thị trường dễ tính cũng như khó tính".
Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành nguyên liệu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất sản phẩm; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm…
Quy trình chế biến chè thủ công của bà con nhân dân tại vùng chè Văn Hán - Ảnh: Sơn Thủy
Bà Hoàng Thị Tân - Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, TP. Thái Nguyên chia sẻ: "Khi dịch bệnh xảy ra, lúc này, HTX chúng tôi đã chuyển đổi đưa tất cả các sản phẩm lên sàn Voso.vn và sàn Postmart, Lazada; 80% sản phẩm của HTX đều được bán qua sàn thương mại với doanh thu tương đối lớn".
Ông Nguyễn Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho hay: "Chúng tôi tiếp tục nâng diện tích chè VietGAP hướng hữu cơ, khuyến khích tạo điều kiện cho các HTX liên kết các hộ dân lại để làm chè có nhãn hiệu mạnh".
Chương trình hướng dẫn cho các hợp tác xã, hộ sản xuất về những kiến thức khi tham gia sàn thương mại điện tử được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổ công tác 1034 (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức mới đây tại vùng chè Tân Cương. Chương trình nhằm phổ biến chủ trương, định hướng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương qua sàn thương mại điện tử; đào tạo, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho hộ sản xuất nông nghiệp.
Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Với giải pháp về công nghệ thông tin thì lượng người biết về những mặt hàng đó rất lớn, do vậy, thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng qua đó nâng cao giá trị".
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ của các ngành, địa phương cùng nỗ lực của người dân, HTX sản xuất chè, thời gian tới, cây chè tiếp tục giữ vai trò là cây thế mạnh đặc biệt của tỉnh, là cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng búp tươi đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.
Sơn Thủy/KTDU