Bị lừa bán sang Trung Quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, giờ đây, những thanh niên ngày nào đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định, hạnh phúc nơi quê nhà. Nhưng hành trình bị lừa bán, rồi tìm cách trốn chạy về Việt Nam vẫn là những ký ức chưa thôi ám ảnh những chàng trai người Dao trên vùng biên giới Mường Khương này.
Với ước mơ kiếm tiền thật nhiều ở bên kia biên giới, những chàng thanh niên người Dao mới mười tám, đôi mươi đã trúng kế của kẻ buôn người và bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau nhiều tháng ngày phải lao động khổ sai, họ đã bất chấp tất cả để tính mưu, tìm kế trở về Việt Nam trong sự ngỡ ngàng của bà con dân bản.
Phàn Diu Phủ (trái) và Phàn Seo Lìn vẫn chưa quên những ngày lao động khổ sai trong lò gạch bên kia biên giới. Ảnh: P.B
Bị bán sang Trung Quốc vì ước một chiếc... xe máy
Mảnh đất Mường Khương (Lào Cai) những ngày này nắng nóng như đổ lửa. Quốc lộ 4D nối dài từ TP Lào Cai lên xã vùng biên Thanh Bình ngoằn ngoèo, bụi bặm. Gọi là xã Thanh Bình, nhưng khi nhắc đến địa danh này, người ta đã nghĩ ngay đến nơi “thiếu bình yên” nhất bởi hàng loạt thanh niên trai tráng, phụ nữ trẻ có chồng bị lừa bán sang Trung Quốc.
12 giờ trưa, giữa cái nắng chang chang, bên ven đường, Phàn Diu Phủ (SN 1988) ở thôn Pờ Hồ đang giúp vợ sắp xếp những trái dưa chuột lên bàn để bán cho khách qua đường.
Bảy năm. Một khoảng thời gian được coi là khá dài, nhưng 3 tháng phải lao động quần quật từ sáng sớm đến tối mịt ở lò gạch, rồi hành trình trốn chạy tìm đường về nhà đối với Phủ vẫn là ký ức những ngày tháng kinh hoàng. “Sau nhiều ngày thì tôi cũng về được đến Việt Nam, bước chân vào nhà mình mà không tin đó là sự thật”, chàng thanh niên người Dao, Phàn Diu Phủ bắt đầu câu chuyện.
Theo Phủ, để rơi vào tai họa này cũng xuất phát từ suy nghĩ muốn kiếm tiền thật nhiều để mua cái xe máy, làm nhà và cưới vợ. Nhưng khi ước mơ chưa kịp thực hiện thì Phủ cùng 4 thanh niên khác ở trong thôn đã phải trải qua những ngày tháng kinh hoàng bên đất nước Trung Quốc, thậm chí, cả 5 chàng trai này chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày được về nhà, gặp lại bố mẹ và bà con dân bản.
Ngồi bên cạnh Phàn Diu Phủ để kể lại câu chuyện của 7 năm về trước còn có 4 chàng trai khác là Phàn Seo Lìn (SN 1989), Phàn Quốc Sửu (SN 1991), Tẩn Seo Trọng (SN 1988) và Phàn Quốc Phù (SN 1990). Cả 5 người đều bị lừa sang một ngày, ở cùng thôn và sang làm cùng một lò gạch.
Con đường đến với những cuộc vật lộn trong lò gạch
Tai họa ập đến với 5 chàng trai ở thôn Pờ Hồ, xã Thanh Bình vào một ngày giữa tháng 3/2007. Người đàn bà đưa Phủ cùng với những người bạn sang Trung Quốc có tên là Tẩn Ty Ây, trú tại thôn Ngài Chồ, thị trấn Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc). Tẩn Ty Ây là chị ruột của ông Tẩn Sín Ngán (bố của Tẩn Sín Trọng). Chính vì lợi dụng được mối quan hệ này, Tẩn Ty Ây đã thuyết phục được ông Ngán cho con trai Tẩn Sín Trọng sang bên Trung Quốc làm việc với mức lương hơn 1.500 NDT (thời điểm đó khoảng gần 4 triệu đồng Việt Nam). Đồng thời, nhờ ông Ngán đưa sang các nhà khác trong thôn để “lấy thêm lao động”.
Cũng như ông Ngán, nhiều người dân ở đây vì thiếu hiểu biết, nên khi nghe một khoản lương gần 4 triệu/tháng, mọi người đều đồng ý cho con đi theo Ây. “Lúc đó bà ấy bảo với chúng tôi là sang đó thì làm việc nhẹ nhàng, chủ yếu là gặt hái trong các trang trại, trồng chuối và nhổ cỏ. Ai có sức khỏe thì ở lại làm, còn ai không thích thì về lúc nào cũng được, về tiền bạc, làm ngày nào trả ngày đó”, Phàn Seo Lìn nhớ lại.
Sau khi đã tìm được người, Tẩn Ty Ây đưa 5 thanh niên ra đường, bắt xe lên thị trấn Mường Khương, từ đây, nhóm người tiếp tục vượt biên trái phép lên thị trấn Hà Khẩu rồi về nhà Ây. “Sau khi ngủ dậy, chúng tôi được hai người đàn ông nói tiếng Dao đưa lên xe đến thị trấn Côn Minh, rồi lên một tuyến xe khác lên Quảng Tây. Tại đây, chúng tôi được đưa lên một chiếc taxi, sau khoảng 3 tiếng đồng hồ chạy đường lòng vòng thì đến khu lò gạch. Khu này cách khu dân cư khá xa và nằm bao bọc xung quanh là rừng và bờ rào che chắn”, Phàn Seo Lìn kể.
Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng là tiếng chuông từ ngôi nhà của chủ lò gạch vang lên, tất cả mọi lao động đều phải thức dậy. Làm quần quật ngoài nắng, trong lò nóng nực đến tận 11, 12 giờ trưa, sau đó ăn cơm xong, khoảng 1 giờ chiều lại ra làm, làm cho đến 6, 7 giờ tối mới được nghỉ ăn cơm. Hôm nào công việc chưa xong thì phải làm tiếp đến 8, 9 giờ tối. Vì làm việc trong môi trường nặng nhọc nên thỉnh thoảng lại có người bị ngất, còn việc ốm đau thì gần như thường xuyên.
“Chúng tôi làm việc đều có người giám sát từng bước đi, lời nói. Nếu có hành động gì khả nghi thì đều bị cai lò gạch gọi lại chửi bới hoặc bị đánh. Làm ở đây, chúng tôi được trả một ngày 10 NDT (khoảng 25 nghìn VNĐ thời đó) để mua đồ nấu ăn. Vào làm được vài ba hôm, chúng tôi thấy không chỉ người Việt Nam mà có hàng trăm người Trung Quốc cũng bị lừa bán vào đây và không ai được nhận lương như đã nghe trước đó. Chỉ có dân bản địa xung quanh làm mới được trả tiền hàng ngày”, Phàn Seo Lìn nhớ lại.
Theo Lìn, vì lúc mới đến đã có người cho biết tình hình bóc lột sức lao động ở đây nên những hôm được phát tiền ăn, Lìn và Phủ đều cất đi 3 - 5 NDT để phòng thân, còn lại thì mua mì tôm hoặc nhịn đói, uống nước qua ngày. Do ăn uống không đủ no và thiếu chất, lại làm trong môi trường nặng nhọc, có nhiều hôm Phủ và Lìn không có sức để gượng dậy. Nhưng nghĩ về kế hoạch sắp tới, cả hai lại gắng gượng, bởi trong suy nghĩ, nếu không thoát thân thì cũng chết ở mảnh đất này.
Sau 3 tháng làm việc quần quật, số tiền mà Lìn và Phủ tiết kiệm được là 550 NDT, đúng hôm chủ lò phát tiền ăn, cả Phủ, Lìn cùng 2 người Trung Quốc khác quyết định để lại, góp chung vào được 600 NDT. Khi mọi thứ đã chín muồi, Lìn, Phủ lên kế hoạch trốn chạy trong đêm, bắt đầu những ngày tháng lang thang trong rừng, ăn mì tôm, nhịn đói và... ăn thịt sống qua ngày.
(Còn nữa)
Phùng Bình - Kim Oanh
theo GĐ&XH