Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch tổ chức năm 2023 với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.

Kinh tế TP.HCM: Phục hồi tăng trưởng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo đó, Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,5% - 8%; Hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; Duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu đạt từ 95% trở lên; Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân từ 1,0%/GRDP trở lên; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; Phấn đấu tổng thu du lịch đạt 120 nghìn tỷ đồng; khách quốc tế đến Thành phố đạt khoảng 4,5 - 5 triệu lượt.

Về xã hội, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,45% trong tổng số lao động đang làm việc; Giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người, trong đó, tạo việc làm mới là 140.000 chỗ; Tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.

Về đô thị, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13,88%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,38 km/km2 và tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 12,3 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 22,23 m2/người.

Về cải cách hành chính, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố.

Về trật tự an toàn xã hội, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân năm 2023 (3.802 thanh niên). Đồng thời, giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án đạt trên 75%; Giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%; Kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông; Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (so với năm 2022).

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023, trong đó tập trung đổi mới phương thức, hiện đại hóa công tác điều hành của chính quyền TP. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế về tồ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả...

- Tăng cường rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế về tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả. Đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3637/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 của UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số đạt thấp. Đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính theo thẩm quyền để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thực hiện phối hợp, cơ chế một cửa liên thông giữa sở, ngành, UBND các cấp, các cơ quan thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn TP trong giải quyết thủ tục hành chính và hoạt động phối hợp liên ngành, liên cơ quan. Tổ chức triển khai đẩy mạnh Chuyển đổi số trên các lĩnh vực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính, trong đó, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị TP. Ưu tiên đảm bảo hạ tầng cho các hệ thống dùng chung của TP, phục vụ công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực và phục vụ phát triển Chính quyền điện tử TP. Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực và phân quyền trong quản lý Nhà nước.

- Tập trung thực hiện các giải pháp đột phá nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các tiêu chí còn hạn chế, phấn đấu đạt kết quả và thứ hạng cao hơn về chỉ số PCI năm 2023. Triển khai thực hiện đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DCCI) của TP. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước trên tất cả các ngành, lĩnh vực; mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP. Đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn TP, thường xuyên theo dõi, phải có các giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn. Thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Tập trung triển khai các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về các vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến các nguồn lực, định hướng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch…

- Tập trung giải quyết việc làm đi đôi với đào tạo nghề có chất lượng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kết nối cung cầu lao động đáp ứng theo yêu cầu doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo, người yếu thế, người thuộc diện chính sách có công, trẻ em mồ côi, người cao tuổi; quan tâm chăm lo đến đời sống của thân nhân người có công với cách mạng.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: