Chia sẻ trên trang cá nhân, chị Đặng Thúy N. (Hà Nội) cho biết con mình rất hay có tật cắn móng tay, thậm chí đến mức nát cả đầu móng, lộ ra thịt đỏ hồng. Chị đưa con đi viện khám và phát hiện ra sự thật đau lòng.
Bức ảnh và dòng trạng thái gây sốc của bà mẹ trẻ. (Ảnh: FBNV)
Trên trang cá nhân của mình, chị Thúy N đã đăng dòng trạng thái chia sẻ và hình ảnh 10 đầu móng tay của con trai chị bị cắn nham nhở, lộ ra cả mảng thịt đỏ hồng: “Sáng đưa con đi khám. Lòng hối hận vô cùng, cả mệt mỏi nữa. Giờ chắc có khóc thì cũng chả giải quyết được gì, vì tất cả là lỗi do cha mẹ quá đặt nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái. Tự nhiên thấy sợ chính mình và cách mình dạy con. Bác sĩ chuẩn đoán cháu bị tự kỷ sốc tâm lý do bố mẹ hay quát mắng, bắt học quá sớm và chứng sợ đám đông sợ khoảng trống dẫn đến việc cắn cụt móng tay và không biết đau. Giờ không biết nên làm gì nữa, thật sự mệt mỏi, mệt tất cả”.
Những hình ảnh đau lòng này đã khiến nhiều phụ huynh trẻ giật mình nhìn lại cách chăm sóc con nhỏ.
Dòng trạng thái của chị đã thu hút gần 30 nghìn lượt like và chia sẻ cùng hơn 18 nghìn lượt bình luận, hầu hết là các phụ huynh trẻ tag nhau vào để cùng cảnh giác trước câu chuyện chăm sóc con cái của mình.
Trước đó, mạng xã hội cũng xôn xao chuyện “trẻ tự kỉ vì cho nghe nhạc vàng”. Nguyên nhân của câu chuyện chính là do bố mẹ bận rộn không có thời gian để chăm sóc con nhỏ, mọi việc đều phó mặc cho giúp việc trông nom. Bà giúp việc cả ngày cứ mở nhạc vàng cho bé nghe để tiện việc cho ăn và đỡ phải trông. Lâu dần, bé có dấu hiệu tự kỉ và chỉ thích nghe nhạc vàng, không thích nói chuyện, tiếp xúc với ai dù là bố mẹ.
Cắn móng tay là dấu hiệu của việc trẻ bị stress.
Qua hai câu chuyện trên cho thấy việc cha mẹ trẻ hiện nay đang coi nhẹ việc quan tâm, chăm sóc con cái là có thật. Họ đổ lỗi cho việc bận bịu kiếm tiền nên không có thời gian chăm sóc con cái. Bên cạnh đó thì có không ít phụ huynh vì cuộc đua thành tích của người lớn, muốn con cái giỏi giang để bố mẹ được tự hào, nên bất chấp khả năng của con mình mà ép các bé phải học ngày học thêm. Khi các con không đạt được điểm số như kì vọng thì la mắng, tỏ vẻ thất vọng với con.
Điều này khiến các bé trở nên áp lực, mất niềm tin và sốc tâm lí.
Theo Men's Health, cắn móng tay có thể là dấu hiệu của tình trạng mất cân bằng cảm xúc. Thói quen khá phổ biến này có thể thúc đẩy các hành vi căng thẳng khác liên quan đến miệng như cắn bút chì, cắn môi hay hút thuốc lá.
Hành vi cắn móng tay liên tục sẽ gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như: Nhiễm trùng, nước bọt gây ăn mòn da, gây ra các bệnh về tiêu hóa và gặp các vấn đề về răng miệng.
Cắn móng tay có thể gây ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Làm thế nào để trị được tật cắn móng tay?
Kì thực không chỉ riêng trẻ em gặp tình trạng cắn móng tay, hành vi này xảy ra khá nhiều ở người lớn, thậm chí có nhiều người chia sẻ, tật “nghiện” cắn móng tay như nghiện game, rất khó bỏ.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ tâm lí và các chuyên gia y tế thì tật cắn móng tay vẫn có cách để điều trị:
Việc đầu tiên là cha mẹ cần nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng, giải thích cho con biết đó là việc làm không hay và tại sao các bé không nên làm. Nên tìm cách lôi cuốn con trẻ vào những chú ý mới như Ví dụ: Có thể cho bé vẽ tranh , nặn đất, xếp hình, lắp ráp xe đồ chơi.
Hoặc có thể chữa mẹo cho bé bằng cách nghiền quả mướp đắng lấy nước bôi vào đầu tay của trẻ, trẻ em hầu hết sợ vị đắng. Điều đó sẽ giúp trẻ cai được tật cắn móng tay.
Không nên la mắng hay đánh trẻ vì điều này càng khiến trẻ sợ hãi và tiếp tục hành động cắn móng tay để giảm stress.
Diệu Linh
Theo ĐSPL, Vietnammoi