Sự kiện hot
5 năm trước

Thị trường bất động sản hậu Covid-19 lạc quan trở lại

Là đơn vị chủ nhà tổ chức buổi toạ đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới”. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chia sẻ: “Bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua bất động sản. Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn”.

Chủ tịch Tập đoàn FLC phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Internet

Tại toạ đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” diễn ra chiều 6.6. Khi được hỏi về những nhận định về tương lai của ngành bất động sản, Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: “Dù là nói trong hội trường lớn, hay ở quán cà phê tôi cũng có thể tự tin nói rằng bản thân luôn luôn lạc quan về thị trường bất động sản”.

“Từ trước đến nay, dù đã trải qua nhiều khủng hoảng, tôi vẫn lạc quan và vượt qua khủng hoảng 2008, 2013 với kết quả tích cực", ông Quyết tự tin nói.

Ngoài ra, ông Quyết cũng chia sẻ: “Gần hai thập kỷ đi qua 3 cuộc khủng hoảng, đến nay tôi vẫn ngồi ở đây, vẫn với tâm thế vô cùng lạc quan. Thời điểm này có thể xem như đáy của bất động sản. Cũng có nghĩa đây là thời điểm vàng để những người có tích luỹ nhỏ và cả nhà đầu tư lớn mua và đầu tư vào bất động sản. Khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, cơ hội ai cũng thấy thì giá sẽ tăng. Khi đó, muốn đầu tư cũng có thể sẽ quá muộn”.

Đưa ra lời khuyên, vị đại diện FLC nhận định, bất động sản không lý do gì mà trầm lắng và không lạc quan.

“Bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua bất động sản. Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn”, ông Quyết nói.

Chia sẻ về xu hướng bất động sản công nghiệp trong thời gian tới, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, nhiều người nói bất động sản công nghiệp là xu thế chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng nhà nhà đua nhau làm bất động sản công nghiệp là rất nguy hiểm.

“Bất động sản công nghiệp là phải có nhà ở cho công nhân, là một quần thể, khu công nghiệp. Tôi không lạc quan quá vào bất động sản công nghiệp”, ông Trịnh Văn Quyết cho hay.

Trong khi đó, Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng vì xu hướng dịch chuyển sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chiến lược “Trung Quốc +1”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, trước đây, nếu như đầu tư bất động sản hướng đến ưu đãi, thuế, giảm giá đất, thì ngày nay, bất động sản cần sự kết nối hạ tầng đầy đủ, gồm logistics, năng suất lao động, công nghiệp phụ trợ.

Còn ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Eurowindow - nhận xét, Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Từ đó, thị trường sẽ có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản yếu kém.

Trong thời gian tới, các chính sách sẽ dần hoàn thiện hơn, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bất động sản "rộng đường" phát triển.

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh kể về câu chuyện "dở khóc dở cười" mà tập đoàn này gặp vướng mắc pháp lý trong quá trình tham gia thị trường địa ốc.

Bắt đầu vào lĩnh vực địa ốc từ năm 2006, ông Dũng nhớ lại, bất động sản trước đây được cho là phi hàng hoá, không đưa vào danh mục ưu tiên phát triển, ví như "con ghẻ, con nuôi" của nền kinh tế, trong khi ngành này ảnh hưởng đến hàng trăm ngành kinh tế khác. Có những chính sách 20 năm chưa thay đổi, không phù hợp với thị trường. Ông Dũng lấy dẫn chứng, có khu đất của Tân Hoàng Minh mua từ năm 2007, nhưng đến giờ vẫn chưa xây sau 14 năm chờ giải toả mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý.

Với kinh nghiệm thị trường, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng phân tích, hiện Hà Nội có trên dưới 1.000 toà nhà, con số này là rất nhỏ so với Thượng Hải của Trung Quốc, hay Singapore - những nơi có hàng trăm, hàng nghìn toà nhà cao tầng.

Về mức giá, theo ông, giá căn hộ tại Việt Nam có giá trung bình khoảng 1.000 USD/m2, là rất rẻ so với Singapore 15.000 USD/m2 dù cấu thành, chất lượng chênh nhau là rất ít. "Tại sao bất động sản chưa phát triển tốt như nước khác? Một trong các nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách, thủ tục hành chính công. Thứ 2, ngân hàng Nhà Nước thiếu các chính sách hợp lý cho room tín dụng bất động sản", ông Dũng nói.

Tạ Tú

Theo KTDU

Từ khóa: