Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động của Việt Nam đã đạt con số 2 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay, chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn đầu tư. Bất động sản đang đứng vị trí thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài.
Dự án căn hộ cao cấp The Sun Avenue, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút khách trong thời gian qua. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Thời gian qua, nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản đã thành công và không ít nguồn vốn ngoại được hút vào kênh đầu tư này.
Đích ngắm của nhà đầu tư ngoại
Bất động sản Việt Nam khởi sắc và lấy lại đà tăng trưởng là điều kiện cuốn hút các nhà đầu tư ngoại trở lại với thị trường. Những dự án giàu tiềm năng được thực hiện bởi các chủ đầu tư mạnh trở thành đích ngắm của nhà đầu tư ngoại. Nhiều thương vụ hợp tác, chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản đã thành công.
Các chuyên gia cho rằng việc nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đẩy mạnh rót vốn và tham gia điều hành đã giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển vững mạnh. Theo tiến trình hội nhập, dòng vốn đổ vào các doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng, góp phần đem lại sự ổn định của thị trường trong tương lai.
Một trong những thương vụ “đình đám” thu hút sự quan tâm của giới đầu tư phải kể đến việc mới đây Quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản - Creed Group đã chính thức ký hợp tác đầu tư, rót 200 triệu USD vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment).
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Creed Group cam kết mua 20% cổ phần của An Gia Investment, hợp tác mua lại các dự án bất động sản theo tỷ lệ 50-50 để cùng đầu tư và phát triển. Creed Group còn đồng thời cung cấp khoản vay ưu đãi để An Gia Investment tiếp tục đầu tư mua lại các dự án mới để phát triển, bán ra thị trường.
Cùng đó, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long), một doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trên thị trường bất động sản cũng công bố cổ đông nước ngoài mới của mình là Ibeworth Pte. Ltd, - Công ty thuộc quyền kiểm soát 100% của Keppel Land (Singapore), đã đầu tư khoảng 7,1 triệu cổ phần, tương đương 140 tỷ đồng.
Thêm một tâm điểm gây chú ý đối với các doanh nghiệp bất động sản là sự kiện VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư dạng đóng được niêm yết tại thị trường chứng khoán London (Anh Quốc) do Tập đoàn VinaCapital quản lý, công bố giải ngân 15 triệu USD thuộc khoản đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của Tập đoàn Novaland - một thương hiệu mạnh về bất động sản.
Trước sự lấn lướt của khối ngoại, các tập đoàn bất động sản lớn trong nước cũng bật dậy đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng và bán hàng với hai tên tuổi lớn là Vingroup và Novaland.
Hiện tại, Vingroup tập trung vào 2 dự án chính là Vinhomes Central Park tại Thành phố Hồ Chí minh và Park Hill ở Hà Nội. Còn Novaland khẳng định thế mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách tung hàng ra nhiều địa bàn tại đô thị lớn này với lượng bán thành công 3.000 căn hộ và bàn giao tới 2.000 căn cho khách hàng từ 18 dự án. Chính động thái tích cực đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp trong nước cũng góp phần châm ngòi kích thích cho sự sôi động của dòng vốn ngoại.
Những kỳ vọng
Sau giai đoạn thị trường bất động sản lao dốc không phanh gần 3 năm, việc thu hút vốn ngoại vào bất động sản lại được đón nhận với những đánh giá tích cực là góp phần tạo dòng vốn ổn định và lâu dài.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (Horea), thành phố hiện có trên 1.400 dự án bất động sản; trong đó có hàng trăm dự án ngưng triển khai và khoảng 85 dự án bị thu hồi do không vượt qua được khó khăn tài chính. Đây là nguồn dự án tiềm năng cho việc mua bán, chuyển nhượng.
Tuy nhiên, phần lớn các dự án này đều chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong khi các doanh nghiệp lại không được tự do chuyển nhượng dự án khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngay cả Luật Kinh doanh bất động sản mới đã có hiệu lực từ 1/7 cũng chỉ cho phép chuyển nhượng đối với những dự án có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, nhu cầu chuyển nhượng rất cao nhưng hoạt động mua bán vẫn đang bị “trói” về pháp lý. Bởi vậy, rào cản này vẫn đang được các doanh nghiệp kiến nghị dỡ bỏ.
Được sự trợ lực từ dòng vốn ngoại đến từ Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản), ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc An Gia Investment cho hay đơn vị này đang đẩy mạnh tham gia đàm phán và mua lại nhiều dự án bất động sản để phát triển và bán ra trên thị trường trong thời gian tới. Tiêu chí để chọn lựa dự án của An Gia Investment là quy mô tầm trung, với khoảng 1.000 căn hộ trở lại và gần trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn theo ông Bùi Cao Nhật Quân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, với nền tảng mạnh và nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài; trong đó có Quỹ Đầu tư VinaCapital, Novaland tiếp tục đàm phán mua lại các dự án để triển khai. Ngay trong tháng Chín này, công ty này sẽ công bố bán thêm 7 dự án nữa ra thị trường, nâng tổng số dự án đang triển khai lên con số 25.
Về phía nhà đầu tư ngoại, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Jen (Jen Capital) - ông Nguyễn Vĩnh Trân nhận xét trước đây, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trong nước đều đi vay ngân hàng và luôn phải gánh rủi ro rất cao nếu lãi suất biến động mà việc này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Các quỹ đầu tư nước ngoài có nguồn vốn ổn định và lâu dài nên nếu thu hút được nguồn lực này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đích ngắm sẽ là các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm, sản phẩm tốt và phải minh bạch. Đã đến lúc các nhà đầu tư nước ngoài phải tính đến bài toán dài hơi với bất động sản Việt Nam để đón những chuyển biến mới từ chính sách.
Trước xu thế này, nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã chủ động đón sóng ngoại, thậm chí tận dụng cơ hội này để đưa vào chiến lược phát triển. Việc tận dụng nguồn tài chính mạnh và vững chắc từ bên ngoài thông qua những hình thức liên doanh hợp tác, bán lại cổ phần hoặc góp vốn trực tiếp để phát triển dự án được kỳ vọng sẽ là cách tính toán khôn ngoan, nhất là khi không thể trông chờ vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp bất động sản Việt muốn hút vốn ngoại cũng phải tự “chuẩn hóa” chính mình với những nỗ lực không ngừng bởi khi “đem chuông đi đánh xứ người,” các nhà đầu tư ngoại đã phải điều tra rất kỹ để “trông giỏ bỏ thóc”.
theo Vietnam+