Sự kiện hot
14 năm trước

Thị trường chứng khoán tại châu Á ngập sắc xanh

Trong phiên giao dịch ngày 26/5, sắc xanh bao trùm các thị trường chứng khoán châu Á, trong bối cảnh giá hàng hóa và đồng euro phục hồi, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư trở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội mua vào.

Trong phiên giao dịch ngày 26/5, sắc xanh bao trùm các thị trường chứng khoán châu Á, trong bối cảnh giá hàng hóa và đồng euro phục hồi, thúc đẩy nhiều nhà đầu tư trở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội mua vào.
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 
Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) phiên này tăng 1,7%, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 20/4, sau khi đã xuống mức thấp nhất trong hai tháng hôm 25/5.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 139,17 điểm (1,48%) lên 9.562,05 điểm, nhờ các hoạt động mua vào cổ phiếu và đà tăng điểm tại thị trường châu Âu và Mỹ đêm trước.

Theo giới giao dịch, quyết định mua lại 1,5% cổ phần của hãng Canon, trị giá 50 tỷ yen (610 triệu USD) và việc công ty Ricol thông báo kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên trên toàn cầu, để cải thiện tình trạng hoạt động trì trệ hiện nay là hai nhân tố tích cực tạo đà đi lên cho chứng khoán Tokyo. Trong phiên này, cổ phiếu của Canon và Ricoh lần lượt tăng 5,76% và 4,1%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định triển vọng chung đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn còn chưa chắc chắn, trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể cho quá trình tái thiết vùng bờ biển phía Đông Bắc, nơi đã bị phá hủy nghiêm trọng bởi thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3.

Theo Masayoshi Yano, nhà phân tích thị trường cao cấp thuộc công ty Meiwa Securities, thị trường không thể chuyển sang xu hướng mua vào, nếu Tokyo vẫn chưa đưa ra các biện pháp rõ ràng cho việc tái thiết.

Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul tăng 56,04 điểm (2,75%) lên 2.091,91 điểm, nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài; còn tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney tăng 75,5 điểm (1,65%) lên 4.660,2 điểm, kết thúc 4 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, sau khi tăng điểm vào đầu phiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải quay đầu giảm 5,21 điểm (0,19%) xuống 2.736,53 điểm, trước mối lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại, sau khi các số liệu thống kê cho biết Chỉ số Quản lý Sức mua của ngân hàng HSBC giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, dấu hiệu cho thấy lĩnh vực chế tạo đang đi xuống.

Còn tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 153,51 điểm (0,67%) lên 22.900,79 điểm, nhờ hoạt động "săn" cổ phiếu của các nhà đầu tư và đà tăng điểm của chứng khoán Phố Wall.

Đêm trước tại Mỹ, chứng khoán Phố Uôn lấy lại đà tăng, sau khi mất điểm trong 3 phiên liên tiếp trước đó, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 38,45 điểm (0,31%) lên 12.394,66 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 4,19 điểm (0,32%) lên 1.320,47 điểm, nhờ tâm lý của các nhà giao dịch phục hồi sau các số liệu đáng thất vọng về lĩnh vực chế tạo của Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 4/2011 các đơn đặt hàng cho hàng hóa lâu bền như máy bay, máy tính, ô tô, giảm 3,6% so với tháng 3/2011.

Dẫn đầu đà tăng điểm trong phiên 25/5 tại Mỹ là cổ phiếu của các công ty tài nguyên, trong bối cảnh giá của các loại hàng hóa bắt đầu tăng, sau khi Goldman Sachs và Morgan Stanley nâng dự đoán về giá dầu Brent lên 130 USD/thùng vào năm 2012.
  

Trà My (Vietnam+)

Từ khóa: