Mặc dù các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đang cố gắng duy trì nguồn cung bình thường, tuy nhiên do nhu cầu lớn mà nguồn lợn trong dân sụt giảm mạnh nên thị trường thịt lợn vẫn biến động mỗi ngày.
Khách mua thịt lợn tại chợ Phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Mặc dù các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đang cố gắng duy trì nguồn cung bình thường, tuy nhiên do nhu cầu lớn, nguồn lợn trong dân sụt giảm mạnh nên thị trường thịt lợn vẫn biến động mỗi ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn của mỗi người dân.
Chủ một cơ sở giết mổ lợn ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết, trong ngày 20/12, lò mổ của anh phải nhập lợn hơi với giá 95.000 đồng/kg, cao hơn so với hôm trước 2.000 đồng/kg.
Với giá nhập này, cơ sở của anh đang bán lợn móc hàm cho các tiểu thương chợ nhỏ lẻ giá 125.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, chủ cơ này cho biết, lượng lợn giết mổ mỗi ngày chỉ còn từ 10-20 con, giảm một nửa so với trước đây do các tiểu thương giảm mua lợn.
Chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội không giấu buồn bã chia sẻ: "Vì phải giữ khách quen bếp ăn nên chị vẫn bán hàng, chứ lời lãi không được bao nhiêu. Hôm nào ế hàng còn lỗ nặng."
Chị cho biết, quầy thịt của chị chỉ mua lợn mảnh về pha thịt và sườn, xương nên phải nhập lợn giá cao hơn lợn móc hàm với mức trung bình từ 140.000 -145.000 đồng/kg nên nếu chỉ ế dăm kg thịt là lỗ.
Hiện giá thịt tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như: Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), Trương Định (Hoàng Mại), Thạch Bàn (Long Biên) dao động từ 160.000 đến 180.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước.
Tại các siêu thị, Trung tâm thương mại, các mặt hàng thịt lợn tuy có mức giá cao hơn chợ dân sinh nhưng vẫn giữ ổn định từ 150.000-200.000 đồng/kg. Cụ thể, tại hệ thống Vinmart+, giá thịt nạc thăn 151.000 đồng/kg, thịt rọi 185.000đồng/kg, sườn non 208.000 đồng/kg. Tại siêu thị của Trung tâm thương mại AEON Long Biên, giá thịt đùi, vai 160.000 đồng/kg, thịt nạc đùi, nạc vai 180.000 đồng/kg, thịt rọi 199.000 đồng/kg.
Chị Hoàng Thị Ngàn, ở Long Biên, Hà Nội cho biết, giá thịt lợn tăng liên tục nhiều ngày nay, gia đình chị đã chuyển sang tăng thêm thịt gà, cá cho bữa ăn. Tuy nhiên, giá 2 loại thực phẩm này cũng đang tăng. Chị lo ngại đến Tết không chỉ giá lợn mà các thực phẩm khác cũng sẽ tăng.
Chị Ngàn băn khoăn: “Đọc báo, đi chợ, cũng nghe nói giá lợn hơi chỉ mức từ 80.000 -90.000 đồng/kg mà giá thịt tôi phải mua từ 160.000 đến 170.000 đồng/kg, như vậy người tiêu dùng phải chịu cả giá thịt lợn đắt hơn so với trước kia và chi phí tăng từ trang trại, nơi giết mổ đến chợ.”
Thừa nhận mức giá này, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện khâu trung gian đang chiếm rất lớn trong giá bán lợn.
Chẳng hạn, theo trang web của Sở Công Thương Đồng Nai, ngày 20/12, giá lợn hơi do Công ty cổ phần Chăn nuôi CP cung cấp là 85.000 đồng/kg, nhưng thương lái thu mua lợn trong dân giá 92.000 đến 93.000 đồng/kg. Tại thị trường thành phố Biên Hòa, cùng ngày, giá thịt lợn tùy loại từ 140.000 đồng đến 170.000 đồng/kg.
Ông Đoán cho biết thêm, lợi nhuận của khâu trung gian thường lớn hơn lợi nhuận của người sản xuất. Giá từ trang trại đến tay người tiêu dùng thường gấp đôi giá lợn bán tại trại. Việc thương lái tăng giá mua trong dân so với giá của công ty chăn nuôi cũng đẩy giá thịt lợn trên thị trường tăng lên. Điều này khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.
Trong khi đó, ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, giá lợn hơi đang tăng rất cao, công ty muốn bán giá thấp để kéo giá xuống cũng không được.
Công ty luôn đồng hành, chia sẻ với người tiêu dùng và chỉ bán giá thấp hơn thị trường chứ không thể cam kết không tăng giá. Việc đồng hành của công ty trong việc ổn định thị trường cũng cần có các doanh nghiệp khác cùng tham gia.
Hiện mỗi ngày công ty bán ra thị trường khoảng 13.000-16.000 con lợn thịt và chủ yếu cung cấp cho những khách hàng quen, đối tác lâu năm. Công ty cố gắng để đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng như bình thường trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Ông Thép cũng khẳng định không có việc công ty “găm” hàng vì sản lượng lợn của công ty không đủ để chi phối giá cả thị trường. Bên cạnh đó, lợn là mặt hàng thực phẩm tươi sống, việc "găm" hàng rất khó và tốn kém.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin cho biết, hiện mỗi tháng Mavin cung ứng ra thị trường hơn 15.000 con lợn thịt (trên 100kg/con). Giá lợn bán trong ngày 20/12 của công ty cũng ở mức 85.000 đồng/kg.
Theo đại diện tập đoàn này, sản lượng lợn cung cấp ra thị trường tương đối ổn định so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước vì Mavin không sản xuất theo nhu cầu thị trường mà sản xuất theo kế hoạch kinh doanh đã được lên kế hoạch.
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, sản lượng lợn của Mavin cung ứng ra thị trường sẽ ổn định ở mức trên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ này đã chỉ đạo nhiều giải pháp để các địa phương tăng đàn lợn, bổ sung nguồn cung. Về phía doanh nghiệp chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn Masan, Tập đoàn Mavin… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi 17 tập đoàn chăn nuôi lớn, cung ứng sản phẩm thực phẩm và đảm bảo giá lợn phù hợp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, để giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng, bên cạnh việc các ngành chức năng tăng cường các giải pháp chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch làm giảm nguồn cung thịt lợn gây tăng giá, thì cũng tập trung kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông. Việc này hạn chế việc thổi giá, gây sức ép lên thị trường và thiệt hại cho người tiêu dùng./.
Thu Anh-Sỹ Tuyên
Theo TTXVN/Vietnam+