Công tác tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) sáu năm qua, y sĩ Trần Thị Phương Thúy đã có nhiều sáng kiến trong việc chăm sóc sức khỏe những bệnh nhân tâm thần.
Công tác tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) sáu năm qua, y sĩ Trần Thị Phương Thúy đã có nhiều sáng kiến trong việc chăm sóc sức khỏe những bệnh nhân tâm thần.
Y sĩ Trần Thị Phương Thúy (giữa) hỏi thăm người bệnh tâm thần - Ảnh: Kim Anh
Thúy được nhận giấy khen bốn năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM trao tặng. Cô cũng là một trong những ứng cử viên của cuộc bình chọn “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2012 do Thành đoàn TP.HCM phát động.
Chọn con đường gian nan
Năm 2006, tốt nghiệp trung cấp quân y II, y sĩ Trần Thị Phương Thúy đăng ký ngay khi biết Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định (Tân Uyên, Bình Dương) đang cần người. Thúy chọn công việc không hề đơn giản: chăm sóc người tâm thần. Nơi làm việc của Thúy nằm heo hút cách xa khu dân cư, nhưng nơi đây đã níu chân cô bám trụ với nghề, gắn bó với “thế giới người điên”.
Năm 2007, khi Thúy đang công tác tại khoa chăm sóc những bệnh nhân tâm thần nặng, trung tâm xảy ra dịch bệnh tê phù khiến nhiều bệnh nhân tử vong. Thúy chia sẻ: “Lúc đó mình rất đau lòng vì chưa tìm ra cách điều trị như thế nào tốt nhất”. Những ngày nghỉ, Thúy tranh thủ về nhà, ra tiệm Internet ngoài trị trấn tra cứu thông tin về bệnh phù nề. Cô đề xuất ban giám đốc thêm dinh dưỡng, đồng thời cho bệnh nhân uống và tiêm vitamin B1 để điều trị bệnh tê phù. Sự chịu khó của Thúy đã có kết quả, bệnh nhân chuyển biến tích cực hẳn.
Thúy còn nghĩ ra phương pháp tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân. Cô kiên trì tập cho bệnh nhân từng bước đi do bệnh tê phù làm mất cảm giác của hai chân. Dần dần người bệnh đã đi từng bước nhỏ, rồi tự đi lại được. “Người tâm thần chịu nhiều thiệt thòi lắm. Nếu để thân thể họ bị hành hạ bởi những chứng bệnh càng thấy thương hơn” - Thúy bày tỏ.
Gắn bó với người... điên
Thúy được điều động về làm trưởng khoa F cuối năm 2010, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân già cao huyết áp. Thêm nhiệm vụ và thách thức mới nhưng không làm người y sĩ nhỏ nhắn chùn bước. Dịp cuối năm 2011 dịch cúm diễn ra, Thúy không ngần ngại xin đề xuất phòng bệnh cúm bằng phương pháp kết hợp đông - tây y. Thúy còn dành thời gian nấu các loại lá sả, bạc hà, tre... xông cho bệnh nhân mau dứt bệnh. Với quan niệm chăm sóc bệnh nhân như chăm sóc chính người thân mình, Thúy luôn tìm tòi cách chữa trị hiệu quả và đem lại kết quả trong các đợt điều trị dịch bệnh.
Thúy lập gia đình với một đồng nghiệp là điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nam. Những ngày mang thai nặng nề Thúy vẫn phải chăm sóc, tắm rửa, thuốc thang cho bệnh nhân và cũng nhiều phen “vác bầu mà chạy” vì bệnh nhân lên cơn bất chợt rượt đuổi. “Nhiều ca trực đêm cả hai vợ chồng trùng lịch, cô con gái nhỏ phải gửi qua nhà hàng xóm ngủ thấy thương lắm, nhưng mình nghĩ đã chọn nghề y thì phải biết hi sinh”- Thúy bộc bạch. Ngoài hoạt động chuyên môn, Thúy còn làm cán bộ Đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cho cả bệnh nhân tâm thần để họ được bù đắp thêm nguồn vui trong cuộc sống.
Kim Anh
theo TTO