Khi hầu hết thanh niên trong thôn xã đi lao động ở nước ngoài thì anh Hồ Đức Ngọc (29 tuổi, ở thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ở nhà tìm hướng làm kinh tế.
Khi hầu hết thanh niên trong thôn xã đi lao động ở nước ngoài thì anh Hồ Đức Ngọc (29 tuổi, ở thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ở nhà tìm hướng làm kinh tế.
Trung tâm xã biển Nhân Trạch giờ đã đổi mới nhiều với cảnh nhà cửa khang trang, xe cộ đông đúc. Nhưng thôn Nhân Bắc ở bên kia sông vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nghề đi biển khá bấp bênh.
Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, ba làm nghề đi biển gần bờ, mẹ ở nhà chăn nuôi, lại có đến 7 anh em nên nhà Ngọc chẳng khấm khá gì. Là con đầu, Ngọc luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách làm kinh tế giúp đỡ ba mẹ, lo cho các em ăn học. Phong trào lao động xuất khẩu nở rộ nhưng Ngọc quyết định chọn con đường ở lại phát triển kinh tế, vừa gần gia đình vừa có thể xây dựng quê hương.
Anh Ngọc bên bể cá lóc sắp xuất bán - Ảnh: T.Q.N
Việc nuôi tôm bấp bênh và khó khăn trong chăm sóc, nhất là vấn đề nước thải nên Ngọc đổi sang hướng nuôi cá lóc trong bể. Nghĩ là làm, năm 2008, Ngọc vào Quảng Ngãi học nghề. Sau đó, anh trở về thuê 1.100 m2 đất với giá gần 2 triệu đồng/ 1 năm theo sự ưu đãi dành cho thanh niên phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, và bàn với ba mẹ vay tiền đầu tư xây dựng 4 bể cá có tổng diện tích 200 m2, 1 hồ làm hết 15 triệu đồng. Mỗi đợt anh thả trên dưới 20.000 con giống mua từ Quảng Ngãi, tính tổng chi phí mua và đi lại vận chuyển thì 1 con khoảng 1.000 đồng.
Ngọc cho biết, nuôi cá bể cần chú ý công tác chăm sóc, phòng bệnh, 1 ngày thay nước 1 lần. Khi cá nhỏ phải cho ăn 2 lần/ngày. Vì thế, anh thuê một số thanh niên là người bà con đến băm cá nhỏ cho cá lóc ăn. Nhờ thế góp phần tăng thu nhập cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Nuôi 6 tháng cá đạt bình quân 1,5 kg/ con thì xuất bán giá 50 - 70.000 đồng/ kg, doanh thu 1 vụ được khoảng 250 triệu đồng. Đến kỳ xuất, anh nhận được nhiều đơn đặt hàng trong ngoài tỉnh.
Có một bể cá đã lớn, con nào con nấy to trên 1,7 kg nhưng anh Ngọc chưa xuất vì hiện giá hơi thấp. Mẹ của Ngọc, bà Hoàng Thị Lói chia sẻ trong ánh mắt sáng lên sung sướng và đầy tự hào: “Khi nó bảo con không đi nước ngoài được thì con làm để giúp cả nhà và sau này còn có tương lai, chúng tôi mừng lắm. Cũng lo vì số tiền đầu tư lớn, trong xã lại chưa có ai làm nhưng tôi không ngăn cản, con có sức trẻ quyết tâm làm tốt rồi, mình phải phụ giúp với con”.
Ngọc đã truyền nghề nuôi cá cho thanh niên địa phương. Hiện có 2 thanh niên cùng nuôi cá lóc bể là Phạm Văn Nguyên và Phạm Văn Kịnh, trong xã thì có 9 hộ nuôi như mô hình của Ngọc. Không phải Ngọc hoàn toàn gặp suôn sẻ, anh từng nuôi cá chẻm nhưng bị thất bại, mất một số tiền khá lớn. Anh đang có ý định mở thêm hồ thả ếch Thái Lan, trang trại gà trên quỹ đất còn lại.
Trương Quang Nam
Theo Thanhnien