Bỏ tiền vào kênh đầu tư nào trong năm 2012? Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đều cho rằng, tiền mặt vẫn là vua.
Bỏ tiền vào kênh đầu tư nào trong năm 2012? Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đều cho rằng, tiền mặt vẫn là vua.
Ông Andy Ho, giám đốc điều hành tập đoàn VinaCapital cho rằng, thời gian tới, thị trường sẽ còn đối mặt với khó khăn, mà thanh khoản là vấn đề lớn trong năm, khi các ngân hàng “thắt lưng buộc bụng”.
Bảng điện đang đầy rẫy các cổ phiếu niêm yết dưới mệnh giá, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng cần tiếp tục chờ lạm phát, lãi suất giảm xuống, mới có thể đầu tư. Ảnh: Lê Quang Nhật
Đánh nhỏ, thắng chắc
“Năm 2012 là năm có nhiều bất ổn”, ông Phạm Hồng Hải, giám đốc bộ phận kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn thuộc HSBC Việt Nam, nói như vậy ở diễn đàn kinh tế “Những thách thức và cơ hội trong năm 2012” do hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tổ chức hôm 9.1 tại TP.HCM. Ông đánh giá rằng, với việc tái cấu trúc ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải cẩn trọng trong phát triển kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp nào tận dụng được những cơ hội của thị trường như việc mua bán, sáp nhập và vượt qua những lệ thuộc về nguồn vốn, thanh khoản sẽ gặt hái được thành công trong năm.
“Khi đi ngang qua những toà nhà cao tầng tối đen, tôi biết rằng chẳng có ai ở. Trong khi đó, nhiều toà nhà khác đang được xây. Cung nhà ở đang lớn hơn cầu, giá sẽ tiếp tục giảm trong năm 2012”, ông Andy Ho nói.
Theo VinaCapital, tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 sẽ ở mức 16%. Chính vì mức thắt chặt này, ông Hải cho rằng doanh nghiệp nên “có quan hệ tốt với ngân hàng”. Nghĩa là, nên ngồi lại với ngân hàng để thoả thuận các giao dịch của mình theo gói, để cả hai có mối quan hệ mật thiết với nhau hơn. Khi thanh khoản thiếu hụt, ngân hàng sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp “ruột” của mình. Cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng các khả năng huy động từ các kênh phi truyền thống như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… Theo TS Lê Đăng Doanh, doanh nghiệp nên dồn sức hoàn thành kế hoạch, vận hành có lãi, đừng bắt đầu bằng những dự án dài sẽ gặp khó khăn lớn. “Đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc”, ông Doanh nói.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng lãi suất tiền gửi sẽ giảm về mức 12%, lãi suất cho vay 14 – 16%. “Lạm phát được kiềm chế. Lãi suất giảm nhưng vẫn còn cao, vì xuống quá sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, người dân sẽ quay lại nắm giữ đồng USD”, ông Hải nói. Theo đó, dự đoán tiền đồng sẽ xuống giá khoảng 4 – 5% trong năm 2012, tỷ giá USD/VND sẽ ở 22.500 đồng/USD.
Tiền rình cơ hội
“Tôi trao đổi với người đứng đầu một ngân hàng thì được biết người ta đang rút tiền mua vàng. Vàng trong nước bây giờ cao hơn vàng thế giới khoảng 1,9 – 2,1 triệu đồng, xấp xỉ 100 USD. Điều đó kích thích người thì nắm giữ, người muốn nhập vàng về bán”, ông Andy Ho nói. Theo ông, dòng tiền hiện chưa vào ngân hàng, không vào chứng khoán, nó đang “trôi nổi” ngoài thị trường. Tiền vẫn còn trong túi của nhà đầu tư nước ngoài, các cá nhân… nhưng không đi vào đầu tư, bởi các kênh đầu tư không chắc sinh lời bằng gởi tiết kiệm. Sáu tháng cuối năm chứng khoán sẽ thu hút được sự quan tâm của thị trường. Nhưng để được như vậy, thì lạm phát và lãi suất phải có chuyển động đi xuống. “Chỉ khi nào lạm phát giảm thì họ mới đầu tư. Chính vì vậy, tiền mặt là vua trong năm 2012”, ông Andy Ho nhận định.
Ông Andy Ho cho biết ông chưa rõ chân dung nhà đầu tư ngoại quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay. Năm nào VinaCapital cũng lên kế hoạch huy động vốn, nhưng trước không dễ, nay càng khó. Năm 2012, VinaCapital giữ lượng tiền mặt cao hơn những năm trước, và dự kiến khoảng 20 – 40 triệu USD để đầu tư bốn đến năm doanh nghiệp thuộc các ngành lương thực – thực phẩm, giáo dục, nông nghiệp… “Nhiều công ty có giá cổ phiếu thấp nhưng giá trị công ty cao đã tạo ra cơ hội đầu tư”, ông Andy Ho nói.
Hồng Sương
Theo Sai gon tiep thi