Sự kiện hot
13 năm trước

Thủ tướng yêu cầu tập đoàn dừng đầu tư ngoài ngành

Dù tập đoàn kiến nghị không nên cấm hoàn toàn, Thủ tướng vẫn kiên quyết yêu cầu dừng đầu tư ngoài ngành với bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.

Dù tập đoàn kiến nghị không nên cấm hoàn toàn, Thủ tướng vẫn kiên quyết yêu cầu dừng đầu tư ngoài ngành với bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.

Sáng 9/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đồng chủ trì tại Hà Nội hội nghị sơ kết mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Lấn sân khu vực rủi ro

Như thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các tập đoàn vẫn đang đầu tư quá nóng. Ngoài việc tận dụng phương tiện, tài sản sẵn có để mở rộng kinh doanh thì nhiều tập đoàn lấn sân sang các khu vực rủi ro. Tổng vốn đầu tư ngoài ngành của 11 tập đoàn lên tới trên 19.500 tỷ đồng, dẫn đầu là dầu khí (chiếm 30%).

Thủ tướng: Phải giải thể DN thua lỗ hoặc chuyển giao cho đơn vị khác. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu vẫn là tài chính, bất động sản, bảo hiểm. Thống kê cho thấy, EVN "ném" tới 2.100 tỷ đồng vào bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư.

"Việc đầu tư không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, gây hệ lụy cho phát triển chung của tập đoàn", Bộ KH&ĐT đánh giá.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo tập đoàn cho rằng, đánh giá phải công bằng và không nên cấm hoàn toàn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN Đào Văn Hưng cho hay, 5 năm qua, tập đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao bảo đảm nguồn điện cho đất nước. Điện tăng gấp 2 lần GDP, nâng công suất nguồn điện lên 24.500 MW, tăng 1,9 lần so với 2006. Giá bán điện hiện nay khiến EVN lỗ rất lớn (1 kwh lỗ 120 đồng). Việc thu xếp vốn cũng rất khó khăn, nếu không bố trí được vốn thì trong mấy năm tới chắc chắn thiếu điện.

Ông Hưng kiến nghị sớm đưa giá điện tiếp cận cơ chế thị trường. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho điện lực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngắt lời, cho rằng việc "vận hành giá theo cơ chế thị trường nhưng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô". Không để giá bán điện dưới giá thành và Chính phủ đồng ý phải điều chỉnh giá điện theo thị trường nhưng phải có lộ trình, mức tăng hợp lý. "tập đoàn kinh tế Nhà nước là công cụ của Nhà nước chính là như vậy" - Thủ tướng nói.

"Là chúng tôi kiến nghị vậy thôi chứ vẫn tuân theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Hưng nói ngay.

Thủ tướng cũng tiếp lời, rằng, chuyện giá điện phải bán dưới giá thành đúng là có thật. Nhưng chuyện EVN đầu tư ngoài ngành thua lỗ cũng cần phải xem xét nghiêm túc.

Ông Hoàng Anh Xuân, TGĐ Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cũng đề nghị “không nên cấm tiệt” chuyện đầu tư ngoài ngành. Theo ông: “Không nên chuyển từ thái cực này sang thái cực khác mà phải hài hòa. Có thể cho phép đầu tư ngoài ngành nhưng có sự khống chế của Chính phủ, phù hợp với thế mạnh của tập đoàn”.

Một số đại biểu khác cũng ủng hộ quan điểm trên vì cho rằng phù hợp với xu thế thế giới, miễn là bảo đảm hiệu quả, đúng luật.

Lắng nghe các ý kiến trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, các tập đoàn sắp tới phải tái cơ cấu theo hướng tập trung ngành nghề chính, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao. Kiên quyết dừng đầu tư ngoài ngành với bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.

Giải thể doanh nghiệp thua lỗ

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao việc, ngay trong cuối năm nay, muộn nhất là quý 1/2012, các tập đoàn phải trình phương án tái cơ cấu để tập trung vào nhiệm vụ chính, ngành nghề chính.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi giờ giải lao. Ảnh: Lê Nhung

Phải làm rõ những doanh nghiệp nào Nhà nước giữ vốn 100%, loại nào Nhà nước cần chi phối nhưng không cần giữ 100% (từ 65% trở lên). Còn lại cổ phần hóa hết để rút vốn về đầu tư cho các ngành chính.

"Phương án tái cơ cấu lần này phải rõ ràng, cụ thể hơn. Phải mạnh dạn cổ phẩn hóa cái mà Nhà nước không cần chi phối. Sáp nhập những DN nhỏ. DN thua lỗ thì phải giải thể hoặc chuyển giao cho đơn vị khác làm hiệu quả hơn. Chính phủ đang mạnh dạn làm việc này”, Thủ tướng nói.

Ví dụ điển hình là việc chuyển EVN Telecom, Jetstar... sang các DN khác.

Một yêu cầu khác là phải ổn định khâu cán bộ ngay từ đầu năm 2012 để tập trung vào nhiệm vụ.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, việc thí điểm mô hình tập đoàn đã đạt nhiều kết quả nhưng cũng cần nghiêm túc chỉ rõ những hạn chế, sai phạm, điển hình là vụ Vinashin.

Sau khi sơ kết, Chính phủ cần tiếp tục kiên trì xây dựng những tập đoàn mạnh để bảo đảm vai trò nòng cốt của nền kinh tế.

“Những việc khó ai làm ngoài các tập đoàn kinh tế Nhà nước? Phải kiên trì tái cơ cấu các tập đoàn để vừa bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm vai trò nòng cốt”, Thủ tướng nhấn mạnh đừng bao giờ đặt vấn đề bỏ các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Rút kinh nghiệm những yếu kém, sai phạm, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành sớm hoàn thiện thể chế chính sách. Đặc biệt cần làm rõ cơ chế, mô hình chủ sở hữu nhà nước ở các tập đoàn, nhất là tập trung hai khâu: hội đồng quản trị và bộ chủ quản.

Tiền lương bình quân của người lao động cao nhất là ở Tập đoàn Dầu khí (23,5 triệu/tháng), thấp nhất: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (2,5 triệu).

Lương của thành viên chuyên trách hội đồng quản trị, tổng giám đốc năm 2008 là 43 triệu đồng. Năm 2009 là 38,9 triệu (gần gấp 10 lần người lao động). Trong đó, cao nhất là ở Tập đoàn Dầu khí (50,8 triệu/tháng) và thấp nhất vẫn là Dệt may Việt Nam (23,3 triệu).

Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Lê Nhung
Theo Vietnamnet

Từ khóa: