Sự kiện hot
12 năm trước

Thực hư chuyến du hành đến "thiên đường"

Một bác sĩ giải phẫu thần kinh của Trường đại học Virginia (Mỹ) khẳng định đã nhìn thấy "thiên đường" trong khoảng thời gian hôn mê do căn bệnh viêm màng não, theo tin tức AFP đăng tải ngày 14.10.

Một bác sĩ giải phẫu thần kinh của Trường đại học Virginia (Mỹ) khẳng định đã nhìn thấy "thiên đường" trong khoảng thời gian hôn mê do căn bệnh viêm màng não, theo tin tức AFP đăng tải ngày 14.10.

Eban Alexander, bác sĩ giải phẫu thần kinh của Trường đai học Virginia
- Ảnh: Huffington Post

Vào tháng 11. 2008, Alexander, bác sĩ giải phẫu thần kinh của Trường đại học Virginia được đưa vào bệnh viện vì một căn bệnh viêm màng não hiếm gặp, vốn tấn công vùng não có chức năng điều khiển cơ quan cảm giác và suy nghĩ.

Alexander đã “hôn mê sâu trong 7 ngày liền”. Trong thời gian đó, ông đã “du hành vào một chiều không gian rộng lớn khác của vũ trụ, một chiều không gian mà tôi chưa từng nghĩ là có tồn tại”, AFP trích dẫn lời vị bác sĩ cho biết.

Tại đó, ông thấy “những đám mây lớn, trắng hồng bay phập phồng trên một nền trời tối, ánh xanh đen và có một đám đông những vật thể trong suốt, lờ mờ mà tôi chưa từng thấy bao giờ”.

Và ông nhận thấy không chỉ có một mình ông ở đó. Trong quá trình hôn mê, bác sĩ Alexander còn thấy một người phụ nữ trẻ với gò má cao, mắt xanh đậm, tóc nâu vàng và được bao bọc bằng hàng triệu con bướm. Người phụ nữ này trò chuyện với ông mà “không dùng lời”.

“Ông được yêu thương mãi mãi. Ông không có gì phải sợ”, người phụ nữ nói với vị bác sĩ.

Dưới góc nhìn khoa học

Nhiều người hoài nghi cho rằng vị bác sĩ này, vốn cũng là giáo viên tại Trường Y Harvard, đã bị hoang tưởng; tuy nhiên cũng có nhiều người ủng hộ ông.

Ông Paul Perry, tác giả một số tác phẩm ăn khách viết về thế giới bên kia, cho biết “Mỗi năm có hàng chục ngàn người trải nghiệm thời điểm cận kề cái chết và nhiều người trong số họ cho biết đã gặp một thế giới tương tự như cái mà bác sĩ Alexander đã gặp phải”.

“Những trải nghiệm này có thể là một khoảnh khắc kỳ lạ về chuyến du hành tiếp theo của con người sau khi chết. Không may là có quá ít những nghiên cứu về lĩnh vực này”, ông Perry cho biết.

Chuyên gia tâm lý Dean Mobbs thuộc Trường đại học Columbia, chuyên nghiên cứu thần kinh sinh học, không phủ nhận tính chân thật của trải nghiệm mà bác sĩ Alexander đã thấy, nhưng ông thắc mắc không biết trải nghiệm đó đã được hình thành như thế nào. 

"Tôi tin rằng bộ não của chúng ta có thể dựng nên những trải nghiệm sống động, đặc biệt là khi cơ thể đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê hoặc hôn mê. Khi ấy, não người cố giải thích thế giới lại từ đầu”, ông Mobbs phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Chuyên gia tâm lý này từng khẳng định những trải nghiệm khi con người cận kề cái chết là “biểu hiện bình thường của não bộ khi đang trong trạng thái bất ổn”.

Ông Mobbs cũng trích dẫn một nghiên cứu của nhà thần kinh học người Thụy Sĩ Olaf Blanke, người đã giải thích về những hiện tượng “hồn lìa khỏi xác” bằng cách kích thích giao điểm giữa thùy thái dương phải và đỉnh não.

Ông cũng miêu tả cách bộ não người tự sản sinh ra “một lượng lớn chất giống như thuốc phiện” khi đang trong tình trạng nguy kịch. Các chất này tạo ra cảm giác phấn khởi và điều này trùng khớp với những trải nghiệm mà những bệnh nhân sống sót sau tình trạng hiểm nghèo thường miêu tả.

Hoàng Uy
Theo Thanhnien

Từ khóa: