Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNN) cho biết, từ giữa tháng 9 do lượng cung ứng đồi dào, giá các loại thịt lợn, thịt gà đã giảm đến 25%.
Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNN) cho biết, từ giữa tháng 9 do lượng cung ứng đồi dào, giá các loại thịt lợn, thịt gà đã giảm đến 25%.
Tuy nhiên, khảo sát của PV cho thấy, thị trường tự do lại rơi vào tình trạng loạn giá khi một số nơi đã giảm nhưng nhiều nơi duy trì mức giá cao như trước.
Mỗi nơi một phách!
Kết quả khảo sát giá thực phẩm của chúng tôi ở một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội đã cho những con số khá khác biệt. Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), giá thịt lợn sấn các loại vẫn ở mức 110.000 đồng/kg nhưng ở chợ tạm cách đó chưa đầy 1km, cao nhất cũng chỉ 90.000 đồng/kg. Tại những điểm khác như chợ Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Kim Liên (quận Đống Đa), chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) cũng có mức giảm tương tự.
Thịt lợn đứng đầu bảng về mức độ "loạn" giá. Ảnh: M.H
Chị Nguyễn Thị Vinh, chủ hàng thịt tại chợ tạm khu Nam Thành Công cho biết: "Từ đầu tháng 10 đến nay giá thịt lợn giảm khá nhiều. Thịt sấn các loại giảm từ 110.000 đồng/kg xuống còn 100.000 đồng/kg, khoảng 5 ngày nay lại tiếp tục giảm xuống mức 90.000 đồng/kg. Thậm chí cuối buổi chợ còn ít, tôi bán đổ, thịt nạc cũng chỉ lấy giá 85.000 đồng/kg".
Tuy nhiên, không phải nơi nào người dân cũng được mua thực phẩm với mức giảm giá đáng kể này. Chị Hà Thị Liên, ngõ 32 phố Đồng Tâm, Đại La (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Tôi cũng xem tivi nói giá thực phẩm giảm nhưng tôi đi chợ chợ Đồng Tâm ngày một lần vẫn không thấy có gì thay đổi. Tôi vẫn phải mua thịt sấn với giá 110.000 - 115.000 đồng/kg; thịt gà vẫn 120.000 đồng/kg; rau cải ngọt, cải sen cũng đều có giá từ 15.000- 18.000 đồng/kg... không thay đổi tính từ tháng 9 đến nay".
Các chợ Nguyễn Công Trứ, Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), Hàng Da (quận Hoàn Kiếm), Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa) cũng cho mức giá tương tự như chị Liên đã nói ở trên. Một số chợ khác như Chùa Láng (quận Đống Đa), Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy)... có giảm giá nhưng không nhiều: thịt lợn sấn các loại ở mức 100.000 đồng/kg; thịt gà ta 110.000 đồng/kg; gà công nghiệp 80.000 đồng/kg... Chị Hà Thi Minh, bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân còn cho biết: "Không nói đâu xa chỉ trong một chợ thịt đã có hai giá. Đầu chợ thịt vẫn được bán với giá 120.000 đồng/kg vì ở đó nhiều khách đi lại, bán đắt vẫn chạy trong khi ngồi cuối chợ như tôi chỉ bán từ 100.000- 110.000 đồng/kg mà gần hết buổi vẫn còn".
Quản lỏng, phạt thấp nên loạn giá
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, từ giữa tháng 9/2011 đến nay, giá thịt lợn cả nước giảm khoảng 10 - 25% so với thời điểm tháng 7/2011, giao động từ 51.000 - 53.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá bán buôn lợn hơi siêu nạc 53.000 đồng/kg, Đắc Lắc là 45.000 đồng/kg và TPHCM là 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến thịt giảm giá là do nguồn cung dồi dào trở lại, tổng đàn lợn tăng khoảng 15 - 18% so với tháng 7/2011. "Có chênh lệch lớn giữa giá thu mua tại chuồng và giá bán thịt thành phẩm trên thị trường là do do đầu cơ làm giá của thương lái" - Ông Sơn nhận định
.
Còn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển chính sách nông nghiệp thì cho rằng, thông tin về giá thiếu minh bạch nên người chăn nuôi không nắm được, để tư thương ép giá. Điều này khiến cho người chăn nuôi đáng ra được hưởng lợi nhiều thì chỉ được một phần khiêm tốn còn đối tượng không bỏ nhiều công sức như thương lái lại được món hời lớn. Nhập giảm vẫn bán giá cao là vi phạm quy định về giá nhưng nếu xử phạt họ cũng không sợ vì quy định xử phạt quá nhẹ.
Cạnh đó, có quan điểm cho rằng giá thịt lợn cao và có sự chênh lệch lớn giữa giá thu mua và bán thịt thành phẩm là do Bộ Công Thương quản lý không chặt, người tiêu dùng bị móc túi và người chăn nuôi phải chịu thiệt.
Có ý kiến băn khoăn, giao quỹ bình ổn cho người đi buôn thì làm sao bình ổn được giá vì họ sẽ tính lợi nhuận trong kinh doanh. Quỹ bình ổn giá phải trao cho những nơi sản xuất thì mới hiệu quả. Còn một số chuyên gia thì cho rằng, do lực lượng kiểm tra kiểm soát mỏng, mức xử phạt về vi phạm trong lĩnh vực giá theo quy định không đủ lực để răn đe là nguyên nhân gây loạn giá.
Dù là gì thì chuyện "hai giá" vẫn khiến người tiêu dùng bị thiệt hại. Người mua đắt thì bức xúc còn người mua rẻ lại băn khoăn về nguồn gốc và chất lượng. Trong tình cảnh này, cả người chăn nuôi, nhà quản lý lẫn người tiêu dùng đang phải ngậm ngùi chấp nhận cái giá do thương lái áp đặt.
Mai Hạnh
Theo GiaDinh