Sự kiện hot
13 năm trước

Thực phẩm phục vụ tết: Không lo gạo, chỉ lo thịt

Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2012 các cơ quan có liên quan sẽ cố gắng duy trì để giữ cho các loại lương thực, thực phẩm không bị trượt giá.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2012 các cơ quan có liên quan sẽ cố gắng duy trì để giữ cho các loại lương thực, thực phẩm không bị trượt giá.

Thịt lợn được dự đoán là thiếu hụt trong dịp Tết

Lượng rau, củ quả hiện vẫn đáp ứng đủ, mặt hàng đường các nhà máy cũng đã đi vào sản xuất từ tháng 11 vừa qua nên cơ bản cũng đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp tết.

Không khả quan như gạo, rau, củ quả, thị trường thịt được liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương dự đoán sẽ thiếu hụt, mạnh nhất là thịt lợn chiếm đến 60% tổng nguồn cung. Hiện giá thịt lợn hơi trên thị trường dao động từ 53 - 54.000 đồng/kg, thịt gà từ 40 - 43.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, mức tiêu thụ thịt lợn của cả nước bình quân 262.000  tấn/tháng, thịt gà 62-63.000 tấn/tháng. Từ đầu tháng 11 đến nay, nguồn cung thịt trên thị trường có dấu hiệu tăng, thịt lợn tăng lên 270-275.000  tấn/tháng.

Đại diện Bộ Công Thương lo ngại là mức tiêu thụ thịt vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 15-20% so với bình thường, khoảng hơn 40.000 tấn. Nếu so với  mức tăng sản lượng thịt khoảng 10 - 15.000 tấn/tháng vào cuối năm, thì khả năng dịp Tết Nguyên đán sẽ thiếu thịt lợn.

Một vấn đề đáng lo lắng là hiện nay lượng thịt lợn xuất khẩu, đặc biệt qua biên giới Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng mạnh. Ông Trương Quang Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Lượng thịt xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc trong 4 tháng cuối năm 2011 lên tới 2.800 tấn. Đặc biệt trong tháng 11, tăng đột biến lên tới 936 tấn - cao gấp 3 lần so với hồi tháng 3/2011. Nếu tình hình này tiếp tục gia tăng, nguy cơ thiếu thịt trong nước sẽ rất lớn”.

Hiện mặt hàng đường cũng xuất hiện tình trạng chảy ngược về biên giới để xuất lậu. Ông Nam cho biết, cơ quan Hải quan tại Lào Cai đã phát hiện 30.000 tấn đường tập kết tại một cửa khẩu lẻ biên giới tỉnh này để xuất sang Trung Quốc đã bị tạm giữ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần nhận xét, trước mắt nguồn cung đường cho Tết Nguyên đán sẽ không thiếu, nhưng cân đối cung - cầu trong nước hiện nay, chỉ thừa khoảng 100.000 tấn đường. Nếu việc xuất khẩu đường không được ngăn chặn thì đến giữa năm 2012, trong nước sẽ lại có nguy cơ thiếu đường.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để phục vụ Tết Nguyên đán 2012, Sở đang chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 9 nhóm hàng thiết yếu với số lượng hàng hóa như sau: gạo trắng thường 6.400 tấn; thịt lợn 1.350 tấn; thịt gà, vịt 500 tấn; trứng gia cầm 8 triệu quả; thực phẩm chế biến 1280 tấn; thủy hải sản đông lạnh 800 tấn; dầu ăn 800 nghìn lít, đường RE 250 tấn; rau củ 2.500 tấn với tổng giá tiền hàng 475 tỷ đồng.

Bằng nguồn vốn tự có, các doanh nghiệp chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được thành phố cho tạm ứng vốn theo phương án của doanh nghiệp gửi liên Sở Tài chính - Công thương.

Các doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa đầy đủ dồi dào tại toàn bộ hệ thống 561 điểm bán hàng bình ổn để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân thành phố, mở rộng thêm các điểm bán bình ổn giá trong dịp tết, góp phần ổn định giá cả 9 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu trong danh mục hàng bình ổn giá của thành phố.

Đối với các chợ truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân. Các doanh nghiệp quản lý chợ, các ban quản lý chợ chỉ đạo các hộ kinh doanh, cửa hàng có kế hoạch dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thủ khoảng 2000 tấn thịt trâu bò, 10.000 tấn thịt lợn, hơn 3500 tấn thịt gia cầm, 6000 tấn thủy hải sản, 50.000 tấn rau, củ quả...

Các làng nghề trên địa bàn Hà Nội tập trung sản xuất kinh doanh các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, dệt may, chè, miến dong, bột sắn với tổng giá trị ước tính khoảng 100 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Thú y, bên cạnh cần đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm dịp tết thì yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang được người dân quan tâm.

Ông Đông cho rằng, việc quản lý thực phẩm trôi nổi hiện còn nhiều khó khăn do chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, giết mổ thủ công ở hầu khắp các nơi, trong khi ý thức của người kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Từ nay tới Tết Nguyên đán, Cục Thú y cùng các cơ quan địa phương sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đánh giá, phân loại và xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo, tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm “bẩn”.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhấn  mạnh, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giải pháp mang lại hiệu quả là thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các chợ đầu mối. Từ nay tới Tết Nguyên đán, Bộ sẽ thành lập nhiều đoàn, nhiều đợt để kiểm tra tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương.

Chu Khôi
Theo VnEconomy

Từ khóa: