Thuê nhà rồi cho thuê lại kiếm tiền chênh là hình thức kinh doanh được nhiều người áp dụng ở các khu đô thị, thành phố lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát, kèm theo việc giãn cách xã hội từ Chị thị 16/CP khiến mô hình này gặp nhiều khó khăn
Anh Đức Hùng (Hà Nội) cho biết, cách đây 3 năm anh thuê một ngôi nhà trên phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), sau đó đầu tư thêm gần 300 triệu để sửa sang, mua sắm nội thất phục vụ nhu cầu lưu trú của sinh viên cùng như các bạn trẻ đi làm đang sinh sống xã nhà. Thời gian đầu công việc kinh doanh thuận lợi, mỗi tháng anh thu lãi vài chục triệu từ ngôi nhà này. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người thuê trả lại phòng, khách thuê mới cũng hạn chế trong mùa dịch, vì vậy đã mất nguồn thu từ khoản đầu tư này.
Trong khi đó, chị P.K.L (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2019 chị đã quyết định bỏ công việc văn phòng để dấn thân vào loại hình đầu tư này. Làm được khoảng nửa năm, thấy mô hình này kinh doanh khá hiệu quả nên chị đã quyết định vay ngân hàng để nhân rộng số lượng căn hộ cho thuê. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, chị đã phải thanh lý toàn bộ và vẫn đang tiếp tục trả lãi cho khoản vay vẫn chưa kịp thu hồi của mình.
“Vì con nhỏ nên chị nghỉ làm văn phòng, chị ở nhà và mở ra một hướng kinh doanh thuê lại nhà và cho các sinh viên thuê. Mỗi ngôi nhà hàng tháng cũng mang lại cho chị lợi nhuận từ 5 tới 7 triệu. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát sinh viên các trường đại học, cao đẳng phải nghỉ, hoặc học online nên sinh viên về quê hết, tiền nhà thì đã đóng cả năm cho chủ nhà, tiền sửa sang cũng mất khá nhiều.”
Tương tự, anh Cường (Hà Đông, Hà Nội) cũng thử sức với mô hình thuê phòng trọ rồi cho thuê lại để kiếm lời. Theo đó, anh Cường thuê 2 căn chung cư 2 phòng ngủ tại đường Trần Phú (Hà Đông) với giá 6,5 triệu đồng/căn/tháng, ký hợp đồng 2 năm, thanh toán 6 tháng 1 lần. Anh Cường còn chi thêm 80 triệu đầu tư trang thiết bị, nội thất cao cấp rồi cho thuê lại với giá 9-10 triệu đồng/phòng/tháng. Đối tượng khách thuê mà anh nhắm tới là các cặp vợ chồng có thu nhập tốt hoặc nhóm các bạn trẻ thuê theo dạng ở ghép.
Anh Cường nhẩm tính, nếu có khách thuê đều đặn mỗi tháng thì chỉ vài tháng là anh có thể lấy lại vốn, sau đó là thu lời ổn định. Nhưng anh Cường không ngờ khu vực này có quá nhiều căn hộ giá rẻ cho thuê, hơn nữa dịch bệnh covid-19 bùng phát khiến cho lượng khách hàng thuê nhà giảm đáng kể.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà trọ giá rẻ hướng tới đối tượng sinh viên, công nhân, người lao động. Dịch bùng phát khiến nhiều trường đại học chuyển sang hình thức học online, các nhà hàng, cơ sở dịch vụ đóng cửa, người lao động tự do mất việc... nên người thuê chọn giải pháp trả phòng để trở về quê tiết kiệm chi phí.
Ông Đinh Ngọc Tuấn - Chuyên gia kinh tế Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam phân tích, dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp nên các chủ mặt bằng hay chủ nhà trọ cho thuê trong thời gian này đều đang gặp khó khăn. Thậm chí còn phải tốn nhiều chi phí hơn trước (như chi phí bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà, hoặc trả lãi ngân hàng...) nên việc giảm sâu giá thuê hoặc hỗ 100% cho người thuê sẽ rất khó thực hiện nếu không có thêm gói chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
"Với những ai đang thuê mặt bằng để kinh doanh mà nguồn tài chính đã cạn kiệt thì nên thương lượng với chủ nhà dừng hợp đồng, trả lại mặt bằng bởi dịch bệnh là bất khả kháng. Việc này sẽ tránh được nợ nần, "lãi mẹ đẻ lãi con", sau khi hết dịch làm ăn trở lại" - ông Đinh Ngọc Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động nhận định, thị trường căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 bởi nền kinh tế đi xuống, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng khách nước ngoài thì chưa trở lại Việt Nam làm việc nhiều. Ngoài ra, thị trường căn hộ cho thuê còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về nguồn cung.
Hà My
Theo KTDU