Việc Tập đoàn Vingroup vừa khánh thành Bệnh viện VINMEC quy mô 600 giường tại Dự án Khu đô thị Times City chỉ sau 10 tháng 8 ngày thi công, tuy không phải là sự kiện quá đặc biệt, song đó lại như một lời nhắc nhở nhiều chủ đầu tư dự án hạ tầng về tiến độ, chất lượng công trình.
Việc Tập đoàn Vingroup vừa khánh thành Bệnh viện VINMEC quy mô 600 giường tại Dự án Khu đô thị Times City chỉ sau 10 tháng 8 ngày thi công, tuy không phải là sự kiện quá đặc biệt, song đó lại như một lời nhắc nhở nhiều chủ đầu tư dự án hạ tầng về tiến độ, chất lượng công trình.
Có ý kiến lo ngại rằng, liệu với tiến độ thi công như công trình Bệnh viện VIMEC thì chất lượng công trình sẽ ra sao? Thời gian sẽ trả lời, nhưng một điều có thể thấy rõ là chất lượng một công trình phụ thuộc chủ yếu vào thái độ của chủ đầu tư, của người giám sát, thực hiện dự án.
Thực tế cho thấy, những công trình thi công chậm hàng năm trời, nhưng mới đưa vào sử dụng được thời gian ngắn thì chất lượng đã có vấn đề. Dự án Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là một thí dụ. Khai trương chưa được bao lâu, nhưng công trình đã bị dột nặng, dù đây là một dự án tầm cỡ. Dự án Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng không phải là ngoại lệ.
Thực tế còn có hàng chục, hàng trăm công trình hạ tầng thi công với tiến độ “rùa”, gây lãng phí không nhỏ về vốn.
Vấn đề không chỉ đặt ra với những dự án có quy mô chiếm đất hàng trăm, hàng ngàn héc-ta tại Việt Nam, trong đó có một số dự án bệnh viện hạng sang đã đăng ký đầu tư nhiều năm nay nhưng vẫn chìm trong im lặng…
Sau VINMEC, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm 1 bệnh viện nữa được khai trương vào quý I/2012. Đó là Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội (do Tập đoàn Keystone làm chủ đầu tư), song đây mới là lời hứa của Keystone sau hơn 10 năm được cấp phép lần đầu! Trong lĩnh vực này, còn phải kể tới một số dự án bệnh viện khác do các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đăng ký với quy mô từ 500 đến 1.000 giường, diện tích chiếm đất lớn, hiện “bặt vô âm tín”. Điển hình là Dự án Cụm bệnh viện Kwang Myung do Công ty Jukjin Holding (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 200 triệu USD, dự kiến xây dựng tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dự án được cấp phép từ giữa năm 2005, dự kiến hoàn thành giai đoạn I vào cuối năm 2007, với quy mô 57 khoa, 1.000 giường và có khả năng khám, chữa bệnh cho 6.000 - 7.000 người/ngày. Nhưng đến cuối năm 2010, Dự án đã “lặng lẽ” được sang tên cho CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom), rồi tiếp tục “án binh bất động”. Tương tự, Dự án Bệnh viện quốc tế 500 giường tại Khu đô thị Dương Nội (Hà Nội) do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư cũng vẫn còn nằm trên giấy. Một dự án bệnh viện quy mô 1.000 giường khác do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng được khởi động từ năm 2009, đến nay cũng chưa hoàn chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng...
Như vậy, có thể thấy rằng, tiến độ và chất lượng công trình phụ thuộc vào ý chí và năng lực chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Từ bài học của công trình Bệnh viện – Khách sạn VINMEC, đòi hỏi phải rà soát lại các dự án tiến độ “rùa” để giảm bớt lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Quang Hưng
Theo Dau tu