Đang làm việc cho một ngân hàng lớn ở Hà Nội, Nguyễn Công Quang quyết định nghỉ việc về quê làm thợ mộc, gầy dựng xưởng chế biến gỗ, quy tụ hàng chục thợ trẻ cùng làm nghề mộc thủ công.
Đang làm việc cho một ngân hàng lớn ở Hà Nội, Nguyễn Công Quang quyết định nghỉ việc về quê làm thợ mộc, gầy dựng xưởng chế biến gỗ, quy tụ hàng chục thợ trẻ cùng làm nghề mộc thủ công.
Cơ sở chế biến gỗ Quang Thanh do Nguyễn Công Quang (28 tuổi) làm chủ nằm ở vị trí cửa ngõ đường vào thị trấn Thanh Lãng, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. So với nhóm thợ trẻ cùng làm thợ mộc, Quang là người thành công khi có trong tay khu nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông với gần hai chục công nhân làm việc.
Tốt nghiệp phổ thông, bạn bè nô nức thi vào các trường cao đẳng, đại học. Còn Quang chỉ thích đi bộ đội. Nghĩ là làm, Quang viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, Quang được điều về làm nhiệm vụ trong đơn vị cảnh vệ đặc biệt bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thỏa chí tang bồng trong môi trường quân ngũ, Quang được về làm ở đội chuyển tiền tiếp quỹ của một ngân hàng lớn tại Hà Nội. Nhận lời mời làm việc nhưng Quang luôn trăn trở hướng đi tương lai. Thanh Lãng quê anh từ lâu đã có nghề chế biến lâm sản, nhiều gia đình đổi đời, làm giàu chính đáng từ bàn tay khối óc của người thợ mộc. Chưa đầy một năm gắn bó, Nguyễn Công Quang từ chối bản hợp đồng công tác lâu dài tại ngân hàng để trở về quê.
Cơ sở chế biến gỗ do Quang gây dựng đang giúp nhiều thanh niên ở Phù Lãng
có việc làm, thu nhập ổn định - Ảnh: P.Hậu
Ngày còn học phổ thông, gia đình có xưởng mộc nhưng nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu nhận việc từ các xưởng lớn. Thời điểm ấy, Quang chỉ hỗ trợ công việc đơn giản, chưa nghĩ sẽ khởi nghiệp với nghề quanh năm kéo cưa, gõ đục. Trở lại học nghề, Quang bắt đầu làm quen từ cách đo vẽ, phân biệt từng loại gỗ đến ghi nhớ các công đoạn thi công từng bộ phận riêng lẻ, lắp ghép thành sản phẩm.
Gần ba năm làm thợ mộc, Quang tự tin với tay nghề và kinh nghiệm tích lũy để thuyết phục gia đình vay vốn ngân hàng mua sắm máy móc, mở rộng quy mô xưởng mộc. Đầu năm 2009, Công ty TNHH Thanh Quang chuyên kinh doanh và chế biến gỗ, thi công nội thất chính thức ra đời. Ở mỗi dòng sản phẩm, Quang chủ động tìm và mời thợ “đầu cánh” giỏi nghề về làm việc và tranh thủ học hỏi, trau dồi tay nghề.
Sẵn tính cẩn thận, tỉ mỉ trui rèn trong quân đội, Quang đề cao sự hoàn mỹ, chất lượng trong từng sản phẩm mỗi khi xuất xưởng, từng bước gây dựng uy tín với khách hàng. Năm đầu tiên khởi nghiệp, người thợ trẻ Nguyễn Công Quang gây tiếng vang ở làng nghề khi ký thành công bản hợp đồng gần 2 tỉ đồng, thi công toàn bộ nội thất cho tổ hợp nhà hàng tại TP.Vĩnh Yên. Gần đây nhất là hợp đồng làm nội thất cho ngôi nhà cổ trị giá 7 tỉ đồng ở TX.Sơn Tây (Hà Nội). Hiện tại, thị trường cung cấp sản phẩm do Quang khai thác đang vươn ra khắp tỉnh xung quanh Vĩnh Phúc, giúp công ty đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 18 lao động, lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ ngưỡng mộ về thành công của Nguyễn Công Quang, người dân thị trấn Thanh Lãng còn ấn tượng về chàng thanh niên năng nổ trong nhiều chương trình thiện nguyện. Ngoài chia sẻ lợi nhuận ủng hộ phong trào khuyến học, tài trợ cho các hoạt động của thanh niên, Quang còn trực tiếp tham gia lao động tình nguyện.
Nguyễn Công Quang đang trăn trở khi người thợ mộc Phù Lãng bây giờ quá lệ thuộc vào máy móc công nghệ. Thế nên sản phẩm đưa ra thị trường đang mất dần hồn vía bởi thiếu chi tiết được chạm trổ thủ công của người thợ mộc Phù Lãng. Số lượng nghệ nhân theo đuổi nghề thợ mộc thủ công đang dần rơi rụng theo thời gian. Tìm lối đi riêng cho bản thân, Quang kiên trì theo đuổi nghề phát triển các dòng sản phẩm nội thất, mỹ nghệ làm thủ công với nhiều chi tiết tinh xảo. Thông qua sản phẩm, Quang mong muốn quảng bá và tôn vinh những đôi bàn tay và khối óc tài hoa của người thợ mộc ở làng nghề Phù Lãng. Cũng từ ý tưởng này, Quang kết nối gần hai chục thợ trẻ, nghệ nhân tiêu biểu trong các dòng sản phẩm, hình thành mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm và tìm cách bảo tồn nét tinh hoa trong kỹ thuật chế biến lâm sản bằng phương pháp thủ công ở làng nghề Phù Lãng.
Phan Hậu
Theo Thanhnien