Từ khi niêm yết năm 2005 đến khi bán mảng bánh kẹo cho nước ngoài, chưa có quý nào KIDO (trước đây có tên Kinh Đô) ghi nhận lỗ. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, tập đoàn này lỗ ròng 11,2 tỷ đồng.
Thương hiệu truyền thống bánh trung thu Kinh Đô hoàn toàn thuộc về nước ngoài
Chốt phiên 28/8, cổ phiếu KDC của Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO giữ giá tham chiếu 29.900 đồng, chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp, từ ngày 17/8 đến ngày 27/8. Tính chung từ đầu năm tới nay, KDC đã mất 25% giá trị.
Đà giảm của KDC có nguyên nhân chính yếu đến từ sự sa sút về lợi nhuận. 6 tháng đầu năm 2018, tập đoàn này lỗ ròng 11,2 tỷ đồng.
Từ khi niêm yết năm 2005 đến khi bán mảng bánh kẹo cho nước ngoài, chưa có quý nào KIDO (trước đây có tên Kinh Đô) ghi nhận lỗ. Đặc biệt, quý III luôn là quý ghi nhận lợi nhuận vượt trội so với các quý còn lại, bởi khoảng thời gian này diễn ra dịp trung thu – lúc mà sản phẩm chủ lực “bánh trung thu Kinh Đô” đem về nguồn thu lớn với biên lợi nhuận rất cao.
Như quý III/2014, KIDO ghi nhận lãi ròng 358 tỷ đồng, gấp đôi lãi ròng 3 quý còn lại cộng lại. Quý III/2013 và quý III/2012, mức lãi ròng KIDO ghi nhận lần lượt là 329 tỷ đồng và 315 tỷ đồng, gấp 1,9 lần và 6,3 lần lãi ròng 3 quý còn lại.
Cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, KIDO vẫn ghi nhận mức lợi nhuận ấn tượng do hạch toán nguồn thu bất thường từ thương vụ bán mảng bánh kẹo. Sang đến quý III/2017, khi không còn nguồn thu nào từ mảng bánh kẹo, mức lãi ròng KIDO ghi nhận được chỉ vỏn vẹn 28,8 tỷ đồng.
Quý III năm nay, tình trạng hẳn cũng sẽ không có nhiều cải thiện, thậm chí lợi nhuận còn có thể thấp hơn do chi phí ngắn hạn gia tăng.
Nói về nguyên nhân lỗ nửa đầu năm 2018, lãnh đạo KIDO cho biết Công ty mẹ - KIDO đang thực hiện đẩy mạnh đầu tư hệ thống quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các chiến dịch marketing nhằm củng cố vị thế của thương hiệu sẵn có và tăng mức độ nhận biết với các mặt hàng mới.
“Đây là các chi phí ngắn hạn được chi ra trong giai đoạn đầu và sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận dài hạn đến từ mảng kinh doanh cốt lõi sẵn có và lợi nhuận từ các ngành hàng mới mang lại”, lãnh đạo KIDO trấn an.
Hiện KIDO đang tập trung kinh doanh ngành hàng lạnh và ngành hàng thực phẩm thiết yếu với sản phẩm chủ lực hiện tại là kem (Merino, Celano) và dầu ăn (Tường An, Cái Lân, Golden Hope). Ngoài ra, KIDO cũng đang kinh doanh mì ăn liền, bánh bao, sữa chua, bơ thực vật…
Thực tế, KIDO ghi nhận doanh thu khá khả quan khi đạt 3.842 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do vẫn trong thời kỳ đầu tư mở rộng thị phần nên giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao, thậm chí vượt cả doanh thu.
VN-Index hướng tới ngưỡng 1010 điểm, lưu ý rung lắc
Hưởng ứng từ thị trường Mỹ cùng hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại, phiên 28/8, VN-Index tăng thêm 3,27 điểm (tương đương 0,33%) lên mức 995,19 điểm. Trong khi đó, VN30-Index tăng 4,46 điểm (tương đương 0,46%) lên ngưỡng 971,01 điểm.
Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào HPG (141 tỷ đồng), SSI (61,5 tỷ đồng) , VCB (50,1 tỷ đồng) và VJC (41,7 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng đối với VNM (28,2 tỷ đồng) và NVL (17,6 tỷ đồng).
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), chỉ số VN30 có thêm phiên tăng điểm vượt nhẹ kháng cự ngắn hạn ngày 970 điểm. Nến ngày có mức độ tăng điểm nhỏ hơn so với phiên bứt phá đỉnh ngắn hạn phiên 27/8 cho thấy đà tăng đang chậm lại, tuy nhiên nến ngày vẫn khá tích cực. K
"Khả năng VN30 vẫn duy trì được quán tính tăng điểm tích cực hướng tới vùng kháng cự ngắn hạn mới 975-981. Chúng tôi tăng mức đảo chiều trong phiên lên 969 điểm sau phiên tăng điểm hôm nay", SSI nhận định.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng, chỉ số VnIndex vẫn đang hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 996-1010 điểm. Tuy nhiên, quá trình đi lên của thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu, đồng thời nhà đầu tư cũng lưu ý rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh, rung lắc đan xen trong quá trình tăng điểm
Theo Vietnamfinance