Sự kiện hot
13 năm trước

Tín hiệu đảo chiều

Các CTCK cho rằng, với 3 phiên giảm điểm đầu năm, nhất là phiên giảm mạnh ngày 5/1, cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn đang ngày càng cao.

Các CTCK cho rằng, với 3 phiên giảm điểm đầu năm, nhất là phiên giảm mạnh ngày 5/1, cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn đang ngày càng cao.

Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 6/1.

VN-Index có thể phục hồi về vùng kháng cự 375-380

(CTCK ACB - ACBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trượt dài do tâm lý bi quan của nhà đầu tư trước thông tin giá gas tăng.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm gần 8 điểm xuống còn 340,94 điểm, trong khi đó chỉ số HNX-Index mất 0,96% xuống mức 55,89 điểm. 4 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường bao gồm BVH, MSN, VIC và VNM chốt phiên trong sắc đỏ, cùng nhau khiến chỉ số VN-Index mất 5,31 điểm.

Thanh khoản giảm trên cả hai sàn, cho thấy lực cầu yếu. Khối ngoại bán ròng trên sàn Thành phố nhưng lại mua mạnh hơn so với phiên trước đó trên sàn Hà Nội, hầu hết ở mã ACB, PGS, và PVS.

Chúng tôi vẫn chưa thấy tín hiệu lạc quan từ thị trường khi mà các thông tin hỗ trợ từ vĩ mô vẫn chưa có. Bên cạnh đó, áp lực bán ra cùng sự đuối sức của bên mua càng làm chúng tôi khá lo lắng.

Các tín hiệu kỹ thuật trong các phiên vừa qua cũng chưa cho thấy một sự đảo chiều của thị trường. Lúc này đây, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên đứng ngoài chờ một tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn.

Về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index lao dốc mạnh ngày 6/1. Lực cầu yếu giúp bên bán không khó để đẩy chỉ số giảm sâu ngay sau giờ mở cửa.

Kết quả, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái. Với mức đóng cửa ở 340,94, VN-Index hiện đang giao dịch ở mức giá thấp nhất có thể theo phân tích Elliott trong ngắn hạn.

Các tín hiệu đảo chiều trong thời gian tới, nếu có, sẽ là các tín hiệu đáng tin cậy. Tuy nhiên, cho đến khi các tín hiệu đảo chiều xuất hiện, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường. Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục mất điểm. Ở chiều tăng, VN-Index có thể phục hồi về vùng kháng cự 375-380.

Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu ACB giúp hãm đà giảm của HNX-Index ngày 5/1. Thanh khoản ở mức thấp cho thấy sự thiếu vắng lực cầu. Hiện HNX-Index vừa thiết lập mức thấp kỷ lục mới ở 55,73.

Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục giảm sâu hơn. Chỉ số này có thể đi theo kênh xu hướng giảm hiện tại về mức tối đa 54 theo phân tích Elliott. 

Ở chiều ngược lại, HNX-Index có thể phục hồi về vùng kháng cự 60-61 hoặc xa hơn là 64-65. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, chờ đợi các tín hiệu đảo chiều rõ ràng.

Sẽ ảm đạm đến Tết

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Thị trường đã có phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp và có vẻ như chuỗi giảm giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

HNX-Index đang giằng co quanh mức hỗ trợ 56 điểm (mức vốn là điểm nền cho sự tăng nhẹ cuối 12/2011), bản thân các cổ phiếu có ảnh hưởng đến trend chung như SSI, KLS, VND,… cũng đang giằng co quanh mức đáy cũ. Có thể có những phiên tạm dừng giảm của thị trường trong 1-2 ngày tới nhưng khó tạo được đột biến.

Như truyền thống hàng năm, khoảng thời trước Tết Âm lịch, thị trường luôn có xu hướng giam dịch ảm đạm với thanh khoản thấp. Kết hợp tình trạng này cùng với tâm lý chán nản trong một xu hướng vẫn đang xuống thì thị trường có vẻ như đang gây nên những lo ngại mà nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh dư bán sàn đồng loạt mà cầu mua vẫn rất ít trong thời gian tới. Liệu điều này có xẩy ra?

Hiện VN-Index và HNX-Index có mức hỗ trợ tiếp theo ở 310 và 53 điểm.

Không nên mạo hiểm bắt đáy

(CTCK Rồng Việt - DVSC)

Biên độ đột ngột mở rộng, thanh khoản vẫn ở mức thấp, xoay quanh phiên trước, cho thấy tâm lý nhìn chung theo chiều hướng xấu hơn. Những nhóm đỡ đầu cho hai chỉ số sau những phiên hồi phục nhẹ đều cho thấy lực cung vẫn tiềm ẩn và được thể hiện rõ trong phiên 5/1.

 Dòng tiền vẫn cho thấy chưa có dấu hiệu trở lại, đặc biệt là NĐT nước ngoài, giao dịch khối ngoại tiếp tục co hẹp. Trước những khó khăn của kinh tế thế giới, khủng hoảng chưa kết thúc, dòng vốn ngoại quay về nước mẹ là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, điều kiện vĩ mô trong nước cũng không thuận lợi cho NĐT nước ngoài: tình hình lạm phát cao, tỷ giá tăng, doanh nghiệp niêm yết kinh doanh thua lỗ,…cũng là nguyên nhân khiến cho dòng vốn này suy yếu.

Ngoài ra, thực hiện tái cấu trúc, các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty phải ngưng, thậm chí loại bỏ các hoạt động ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực phi sản xuất. Do vậy, nhìn tổng thể các yếu tố, lượng vốn cho thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục khó khăn, ít nhất là trung hạn.

Chiến lược đầu tư của chúng tôi vẫn chưa thay đổi, vẫn là quan điểm đứng ngoài thị trường, theo dõi và chờ đợi cơ hội thích hợp hơn, không nên mạo hiểm bắt đáy khi chưa có những yếu tố tích cực hỗ trợ thật sự.

Tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Ba phiên giao dịch đầu tiên của năm 2012 đã trôi qua nhưng sắc đỏ vẫn đeo bám thị trường chứng khoán Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/1, cả HNX và VN-Index đều đồng loạt đi xuống phiên thứ 3 liên tiếp với mức giảm khá sâu, riêng HNX Index đã lại một lần nữa thiết lập mức đáy kỷ lục.

Thị trường vẫn giao dịch trong bầu không khí buồn tẻ và ảm đạm, cung và cầu giằng co một cách lình xình trong sự chán nản và mệt mỏi của cả bên bán lẫn bên mua.

Áp lực cung dâng cao làm chủ thị trường trong khi đó lực cầu vẫn trong tình trạng dè dặt và nhỏ giọt do bị ảnh hưởng bởi tâm lý thận trọng cũng như nghỉ ngơi khi dịp Tết Âm lịch đang tới gần.

Đáng chú ý là hai chỉ số trượt giảm mà hầu như không có nỗ lực hồi phục đáng kể nào được ghi nhận, ngay cả khi thị trường giảm sâu thì lực cầu bắt đáy cũng chưa có dấu hiệu bị kích thích, một tín hiệu có thể xem như không khả quan vào lúc này.

Trong phiên giao dịch cuối tuần vào ngày 6/1, chúng tôi không thay đổi quan điểm thận trọng với thị trường chứng khoán, nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục tái diễn kịch bản giằng co đi ngang trong biên độ hẹp hoặc giảm điểm của các chỉ số.

Xuất hiện vùng đáy điều chỉnh tăng

(CTCK EuroCapital)

Trong thời gian gần đây, giá dầu trên thị trường thế giới đang tăng khá nhanh và giá dầu thô thậm chí đã vượt qua mức 103 USD/thùng.

Giá dầu tăng liên tục và kéo dài dẫn tới áp lực tăng giá hàng hóa thế giới (chỉ số CRB Thomson Reuters/Jefferies đã tăng 6% trong nửa tháng qua), gián tiếp tác động tới giá cả hàng hóa trong nước đồng thời sẽ gây áp lực lên giá xăng dầu trong nước.

Trong tháng 12/2011, giá điện đã được điều chỉnh tăng 5% và trong giá Gas cũng đã được điều chỉnh tăng tới 2 lần trong 5 ngày vừa qua.

Việc tăng giá diễn ra thời điểm trước tết nguyên đán, khi sức tiêu thụ hàng hóa thường tăng mạnh theo mùa vụ khiến nhà đầu tư không thể chủ quan về diễn biến lạm phát trong tháng 01/2012 này.

Diễn biến thị trường hàng hóa đang không ủng hộ cho quá trình hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, phân tích kỹ thuật hai chỉ số thể hiện những dấu hiệu của một vùng đáy điều chỉnh tăng đang dần hình thành. Các tín hiệu này chưa thật sự rõ ràng và không xuất hiện đồng thời trên hai chỉ số.

Do đó, trong các phiên tới, nhà đầu tư ngắn hạn cần chú ý quan sát diễn biến thị trường (đặc biệt tại vùng hỗ trợ của hai chỉ số), nếu có sự xuất hiện trở lại của dòng tiền đi kèm thông tin hỗ trợ tích cực có thể cân nhắc mua vào.

Có thể kỳ vọng một nhịp tăng ngắn

(CTCK BIDV - BSC)

Xu hướng giảm mạnh trở lại nhưng khối lượng không có cải thiện. Số mã giảm chiếm ưu thế mạnh với số lượng giảm sàn đáng kể. Khối ngoại tiếp tục mua bán cân bằng, không có động thái rõ nét.
Cơ hội ngắn hạn chưa có điểm tựa mới. Với nhịp hồi phục này, đợt giảm đã có đoạn nghỉ cần thiết, xu hướng giảm có thể tiếp tục mà không bị rơi vào trạng thái bán quá mức.

Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu có thể kỳ vọng một nhịp tăng ngắn nữa để tạm thoát khỏi thị trường, tuy nhiên với xu hướng lớn vẫn đang giảm mạnh, cần thận trọng với kì vọng lạc quan.

Cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn đang ngày càng cao

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường tiếp tục có phiên giảm điểm mạnh trên cả 2 sàn bất chấp “hiện tượng” ACB đã giúp HNX-Index hồi phục vào đầu phiên giao dịch. Hoạt động mua của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu ACB không hỗ trợ nhiều cho tâm lý nhà đầu tư do động thái này chỉ mang tính thời điểm khi ACB “hở room” khoảng 600 nghìn đơn vị và đã được giao dịch hết ngay trong phiên với tỷ trọng phần lớn được thực hiện qua phương thức thỏa thuận.

Như đã đề cập trong các bản tin trước, tâm lý nhà đầu tư hầu hết vẫn đang trong trạng thái thận trọng và chờ đợi cũng như chưa có những chuyển biến của các yếu tố cơ bản rõ nét đủ để giúp thị trường có thể tạo được một nhịp hồi phục mạnh.

Tuy nhiên, khả năng tiếp tục sụt giảm sâu ngay trong nhịp này không được BVSC đánh giá cao do các cổ phiếu sẽ cần thêm thời gian để xác lập mặt bằng giá mới sau một giai đoạn lao dốc.

Như vậy, mặc dù 2 chỉ số vẫn có thể có thêm một hai phiên sụt giảm và phá vỡ các mức đáy ngắn hạn mới được xác lập nhưng cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn đang ngày càng cao.

BVSC cho rằng nhà đầu tư không cần thiết phải bán ở các vùng giá thấp tại các thời điểm sụt giảm trong phiên. Tuy nhiên ở góc độ ngược lại, việc mua bắt đáy trong những phiên sụt giảm sắp tới cần được cân nhắc với rủi ro T+ đứng ở mức cao và nếu có áp dụng chỉ nên thực hiện với một tỷ trọng thấp.

Chưa có tín hiệu cho thấy đà giảm sẽ chững lại

(CTCK FPT - FPTS)

Mất đi lực đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index bất ngờ giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 05/01. Đóng cửa để mất tới 7,9 điểm, chỉ số tiếp tục lùi sâu về ngưỡng 340 điểm với tín hiệu cho một đợt giảm điểm tái diễn.

Phiên giao dịch này không còn sự giằng co giữa mua và bán mà thay vào đó là lượng cung dứt khoát, quyết liệt áp đảo hoàn toàn sức mua, đặc biệt là áp lực bán tại nhóm cổ phiếu lớn khiến thị trường mất đi lực đỡ chủ chốt.

Sắc đỏ lan tỏa và mạnh dần về cuối phiên cho thấy tâm lý đầu tư đã chuyển biến theo chiều hướng xấu đi và tiếp tục phủ định cho khả năng của một xu hướng tích cực hơn trong ngắn hạn.

Quan sát diễn biến thị trường trong phiên, có thể thấy rằng đã có thêm nhiều nhà đầu tư không thể duy trì kiễn nhẫn trước diễn biến lình xình đi ngang của chỉ số nên tăng cường bán ra.

Mặt khác, sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ cùng tâm lý nghỉ ngơi sớm khiến dòng tiền vào thị trường tiếp tục hạn chế khiến cho sức cầu bị thu hẹp.

Đà giảm điểm trở lại là tất yếu sau khoảng giao động hẹp của VN-Index mà không tìm ra điểm tựa để bứt phá. Với phiên giảm mạnh này, chỉ số đang tiếp tục củng cố cho xu thế giảm điểm trung hạn kéo dài kể từ mức đỉnh 470 đến nay.

Rủi ro thị trường giảm sâu đã tăng trở lại và chưa có tín hiệu cho thấy đà giảm sẽ chững lại trong ngắn hạn. Theo đó, FPTS tiếp tục bảo lưu quan điểm thận trọng và đứng ngoài quan sát thị trường trong những phiên giao dịch tiep theo.

Thị trường chưa tìm được điểm cân bằng

(CTCK VNDirect - VND)

Phiên giảm điểm mạnh của VN-Index ngày 5/1 nay khiến cho chỉ số này đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 5/2009. Các cổ phiếu Bluechip vẫn bị bán ra mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều cổ phiếu lại trở về vùng giá thấp trong lịch sử sau những phiên tăng điểm giúp hãm đà rơi trong tuần trước.

HNX-Index giảm điểm khá quyết liệt và xuống vùng thấp nhất lịch sử, phá đáy vừa được thiết lập trong tuần trước. Với lực bán ra mạnh như phiên giao dịch 5/1 thì trong các phiên giao dịch tới sự mất điểm có thể tiếp tục gia tăng. Để hàn gắn lại trạng thái tiêu cực này, thị trường cần ít nhất 3, 4 phiên giao dịch tích cực hơn, vì thế sự kiên nhẫn chờ đợi vẫn là cần thiết.

VNDirect chưa thay đổi quan điểm về thị trường chung, áp lực bán ra vẫn cao, thị trường vẫn chưa tìm được điểm cân bằng, xu hướng lớn của thị trường vẫn là giảm điểm. Các dấu hiệu về sự phục hồi ngắn hạn đã bị xóa bỏ hoàn toàn trong 3 phiên giảm điểm đầu năm. Nhà đầu tư không nên có các quyết định giải ngân trong giai đoạn này.

Nhà đầu tư nên tiếp tục bán ra cổ phiếu

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thị trường phiên 5/1 giảm mạnh cả về điểm số với mức giảm 8 điểm xuống 340,40 điểm và khối lượng giao dịch, tổng khối lượng chỉ đạt 20,6 triệu cổ phiếu, tương đương 304,4 tỷ đồng.

Thị trường vẫn đang kênh giảm điểm và chưa thấy một dấu hiệu gì tích cực hơn. Thị trường cần giảm thêm khoảng 10% từ mức hiện tại để chạm vào hỗ trợ mạnh.

Nhà đầu tư nên tiếp tục bán ra cổ phiếu.

Theo Dau tu chung khoan


Từ khóa: