Sự kiện hot
3 năm trước

Tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu BĐS sau thời gian các chủ đầu tư chững phát hành và ồ ạt mua lại trước hạn?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận dấu hiệu tích cực sau khi chững lại trong 4 tháng đầu năm. Trước đó, loạt doanh nghiệp BĐS đã tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn với khối lượng lớn, tái cơ cấu các khoản nợ, hướng đến nguồn vốn vay mới với lãi suất thấp hơn.

Doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn sau vụ việc Tân Hoàng Minh

Theo thống kê của người viết, trong tháng 5/2022, chuyên trang về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố 136 đợt mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp với tổng giá trị mua lại là gần 14.350 tỷ đồng. Trong đó, 65 đợt được thực hiện trong tháng 5 với tổng giá trị mua lại là 8.225 tỷ đồng. 

Trước đó, theo dữ liệu của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm nay đến cuối tháng 4 vừa qua, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, chiếm phần lớn khối lượng mua lại trong cả quý I/2022 (12.800 tỷ đồng).

 Ảnh minh họa: Báo Chính phủ. 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng nằm trong nhóm này. Đơn cử như FLC vào ngày 9/5 đã thực hiện mua lại toàn bộ 150 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô FLCH2122001 mà công ty phát hành hồi tháng 8/2021, đầu tư dự án FLC Sầm Sơn tại tỉnh Thanh Hóa. Lô trái phiếu này đáo hạn vào tháng 8 năm nay. 

Hay CTCP Đại Nam của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng vào ngày 29/4 cũng công bố đã tất toán sạch khoản vay trái phiếu 180 tỷ đồng mà công ty phát hành hồi tháng 11/2021 nhằm đầu tư xây dựng Nhà xưởng cho thuê số 2 thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 3, tỉnh Bình Dương. Lô trái phiếu này có thời hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 30/11/2026 và được doanh nghiệp mua lại toàn bộ chưa đầy 5 tháng sau khi hoàn tất phát hành. 

Một doanh nghiệp bất động sản khác, CII ngày 25/5 vừa qua đã mua lại 150 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô CIIBOND2020-02, giảm khối lượng xuống 1.850 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện ba đợt mua lại trái phiếu từ lô CIIH2023006. Ba lô trái phiếu nói trên đều sẽ đáo hạn trong năm 2023. 

Doanh nghiệp cùng nhóm CII, Năm Bảy Bảy cũng mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu từ lô NBBH2124001 mà công ty phát hành trong tháng 6/2021. 

Bên cạnh các doanh nghiệp nêu trên, các doanh nghiệp như Vinaconex, An Gia, Apec Group, Đầu tư IDJ, Hải Phát Invest, Ecopark, Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc,... cũng tiến hành mua lại trái phiếu, giảm nợ từ kênh vay vốn này. 

Hướng đến nguồn vốn vay mới với lãi suất thấp hơn

Theo báo cáo mới đây của FiinGroup, tại thời điểm cuối tháng 4/2022, quy mô trái phiếu của ngành bất động sản đạt khoảng 487.000 tỷ đồng, 63% giá trị này (tương đương với khoảng 305.000 tỷ đồng) sẽ có điểm rơi đáo hạn vào giai đoạn 3 năm tới (2022 – 2024). 

Điều này sẽ tạo áp lực trả nợ lớn lên các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dần hồi phục sau dịch bệnh và trước những thay đổi pháp lý, những tin tức tiêu cực trên thị trường thời gian gần đây.

 Trái phiếu ngành bất động sản phần lớn có điểm rơi đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2024. (Nguồn: FiinGroup).

Trước bối cảnh này, động thái liên tục mua lại trái phiếu trước hạn nói trên sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp giảm nợ tài chính và tái cơ cấu lại các khoản nợ khi lãi suất thị trường giảm.

Như CII tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vừa qua, lãnh đạo công ty đã nhấn mạnh về việc giảm nợ vay tài chính là một trong những kế hoạch chính trong năm nay. Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị CII, hiện công ty đã lo xong các khoản nợ đến hạn đến cuối năm 2022 và sẽ giải quyết dứt điểm các khoản nợ trong quý I/2023. 

Hay Năm Bảy Bảy, tại kỳ họp ĐHĐCĐ, lãnh đạo công ty đã cho biết kế hoạch tái cấu trúc tài chính theo hướng giảm dần tỷ trọng nợ vay và tìm kiếm nguồn vốn tín dụng mới với lãi suất thấp. 

Một doanh nghiệp đã 6 lần mua lại trái phiếu trước hạn từ đầu năm tới nay, Tập đoàn Gelex cũng đang thực hiện tái cấu trúc các khoản vay tài chính với chu kỳ vay dài hơn, lãi suất thấp hơn để phục vụ đầu tư chiến lược trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Theo lãnh đạo công ty, năm vừa qua, dư nợ công ty đã tăng mạnh sau thương vụ hợp nhất kinh doanh với Viglacera, chính thức lấn sân vào mảng bất động sản.

Ngoài ra, đối với FLC và CTCP Đại Nam, động thái mua lại trái phiếu trước hạn của cả hai doanh nghiệp này đều diễn ra sau khi cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo doanh nghiệp vì vi phạm pháp luật.

Tín hiệu tích cực sau thời gian thị trường trái phiếu ảm đạm

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, trừ trường hợp Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ khi hủy giao dịch trái phiếu, còn lại các doanh nghiệp đến hạn đều trả được nợ đúng hạn và dòng trái phiếu vẫn trung chuyển bình thường.    

Bên cạnh đó, trái ngược với sự ảm đạm của thị trường trái phiếu trong 4 tháng đầu năm sau sự kiện của Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp sang tháng 5 đã có sự rục rịch trở lại phát hành trái phiếu mới.

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 4 không ghi nhận đợt phát hành trái phiếu ra công chúng nào và có 23 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Song sang đến tháng 5,  thị trườngđã ghi nhận một đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 34 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành tăng 46% so với tháng 4. Trong đó, nhóm bất động sản đứng thứ hai với tỷ lệ 28,5% trong tổng giá trị phát hành, sau nhóm ngân hàng. 

Các lô trái phiếu phát hành trong tháng 5 của nhóm bất động sản có thể kể đến như Novaland với 5.774 tỷ đồng từ hai trái chủ là nhà đầu tư nước ngoài; CTCP Sunbay Ninh Thuận, thành viên nhóm Crystal Bay với 900 tỷ đồng từ ba lô trái phiếu; CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc, thành viên nhóm Vinpearl với 1.230 tỷ đồng từ hai lô trái phiếu;...

 Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5/2022. (Nguồn: VBMA).

Đánh giá chung về năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau dịch, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

Cùng quan điểm này, FiinGroup dự báo, các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, nhất là các công ty niêm yết vốn có sự minh bạch vẫn sẽ đẩy mạnh các hoạt động phát hành trái phiếu. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI Research, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ.  

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra ngày 5/6 vừa qua, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup  cũng cho biết, hiện sức khỏe tài chính các doanh nghiệp đang trên đà suy giảm do tình hình dịch bệnh và vấn đề pháp lý khiến giá trị dòng tiền từ sản xuất kinh doanh giảm, đồng thời, các doanh nghiệp phải chịu các tác động tiêu cực của tình hình kinh tế vĩ mô như lạm phát hay giá nguyên vật liệu tăng.  

Bên cạnh đó, rủi ro cũng tiềm tàng trong chất lượng tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản. Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao, trên thực tế, chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. 

Hiền Minh
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Từ khóa: