Lo ngại virus Corona, Trung Quốc hủy diễn đàn kinh tế lớn, Virus corona có nguy cơ lây truyền qua đường tiêu hóa, Iraq có Thủ tướng mới... là những tin tức thế giới nổi bật.
Lo ngại virus corona, Trung Quốc hủy diễn đàn kinh tế lớn
Ban tổ chức Diễn đàn 50 Nhà kinh tế Trung Quốc ngày 2/2 cho biết sự kiện này – quy tụ các chuyên gia kinh tế-tài chính hàng đầu như Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang và Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Guo Shuqing – dự kiến diễn ra ngày 16/2 tại thủ đô Bắc Kinh song đã bị hoãn lại.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc – Cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình và là trưởng phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc với Mỹ - từng chủ trì diễn đàn kinh tế trên năm 2018 song năm 2019 lại không tham dự. Hội nghị này mở cửa với truyền thông, đem đến cho công chúng Trung Quốc cơ hội hiếm có để quan sát cuộc tranh luận chính sách cấp cao.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc
Việc diễn đàn này bị trì hoãn vô thời hạn đã nêu bật tác động to lớn mà dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đối với các hoạt động kinh tế và xã hội tại Trung Quốc, nơi giới chức trách đã áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ trong tuần qua để đối phó với dịch bệnh.
Virus corona có nguy cơ lây truyền qua đường tiêu hóa
Các chuyên gia Trung Quốc ngày 2/2 đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất, theo đó cảnh báo virus corona mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ngoài việc lây nhiễm qua đường hô hấp và tiếp xúc còn có thể lây truyền qua hệ tiêu hóa.
Các chuyên gia y tế đã phối hợp nghiên cứu và đưa ra kết luận trên sau khi phát hiện acid nucleic của virus trong chất bài tiết và giấy vệ sinh ở những bệnh nhân nhiễm virus corona. Các chuyên gia cũng nhận thấy rằng triệu chứng ban đầu của một số bệnh nhân nhiễm corona chỉ là tiêu chảy, chứ không phải là sốt như các trường hợp phổ biến hiện nay.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác quốc tế để kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (2019 nCoV) gây ra, đến nay đã khiến 305 người thiệt mạng trong tổng số 14.550 ca nhiễm.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định như vậy trong một loạt cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 1-2 thảo luận về các giải pháp kiểm soát dịch bệnh.
Các nước này cho biết ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp hiệu quả mà Trung Quốc đang tiến hành trong cuộc chiến chống dịch bệnh cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với "cuộc chiến" của Trung Quốc. Phía Đức đã cung cấp cho Trung Quốc một số lượng nhu yếu phẩm y tế cấp thiết và sẵn sàng hỗ trợ bổ sung để phù hợp với nhu cầu.
Uber đình chỉ 240 tài khoản tại Mexico có nghi ngờ đã tiếp xúc với virus corona
Ngày 1/2, Uber Technologies Inc, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ có trụ sở tại Mỹ, thông báo đã tạm thời đình chỉ hoạt động của 240 tài khoản của người sử dụng ở Mexico do nghi ngại có tiếp xúc với những người có khả năng nhiễm virus corona.
Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter, Uber cho biết có 2 lái xe của hãng có thể đã vận chuyển một khách hàng có khả năng nhiễm dịch virus corona. Uber khuyến cáo những tài khoản lái xe bị đình chỉ cần liên lạc với giới chức y tế trong trường hợp cơ thể xuất hiện các triệu chứng bệnh như sốt, ho...
EU chuyển 12 tấn trang phục bảo hộ y tế tới Trung Quốc
Sau khi Trung Quốc đề nghị hỗ trợ, Trung tâm Điều phối trong tình huống khẩn cấp (ERCC) thuộc Ủy ban châu Âu đã thông báo tới các nước thành viên EU và sau đó đã tiếp nhận tổng cộng 12 tấn đồ bảo hộ y tế. Hiện số hàng này đã được vận chuyển tới Trung Quốc.
Trước đó, chung sức chống virus corona, Đức đã chuyển 10.000 bộ trang phục bảo hộ y tế tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc để hỗ trợ lực lượng chức năng nước này trong quá trình triển khai, ứng phó với virus corona ở vùng tâm dịch.
15 nước thành viên EU muốn sớm đạt thỏa thuận về ngân sách mới hậu Brexit
Tại cuộc họp ngày 1/2 ở Bồ Đào Nha, 15 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí rằng các quốc gia thành viên của khối này cần nhanh chóng đạt được thỏa thuận về ngân sách tiếp theo của EU, sau khi nước Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) và không còn đóng góp tài chính cho Liên minh.
Nhóm "liên kết hữu nghị" gồm 17 quốc gia Đông Âu và giáp Địa Trung Hải - những thành viên nghèo hơn trong EU - cũng thống nhất sẽ chống lại bất kỳ động thái nào nhằm cắt giảm Quỹ liên kết của EU, được sử dụng để hỗ trợ các nền kinh tế yếu hơn trong Liên minh.
Trong nhóm này, 15 nước thành viên bao gồm Bulgaria, Czech, CH Cyprus, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha đã ký tuyên bố chung nói trên. Trong khi đó, hai thành viên là Italy lựa chọn không ký và Croatia giữ quan điểm trung lập khi nước này đảm nhận ghế Chủ tịch luân phiên của EU.
Hơn 20 người thiệt mạng trong vụ dẫm đạp tại Tanzania
Một quan chức địa phương ngày 2/2 cho biết, ít nhất 20 người đã thiệt mạng và 16 người bị thương trong vụ dẫm đạp xảy ra khi hàng trăm người chen lấn để được vẩy nước thánh - một hoạt động của nhà thờ ở sân vận động thuộc thị trấn Moshi, miền Bắc Tanzania.
Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 5 trẻ em. Giới chức Tanzania lo ngại số nạn nhân tử vong có thể còn tăng do quy mô vụ việc khá lớn và thời điểm xảy ra vào buổi tối dẫn tới khó quan sát.
Tàu khu trục Nhật Bản rời căn cứ đi làm nhiệm vụ ở Trung Đông
Ngày 2/2, một khu trục hạm của Nhật Bản đã rời căn cứ ở tỉnh Kanagawa đến Trung Đông để thực thi nhiệm vụ dài hạn đầu tiên ở nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động này độc lập với Mỹ và và tránh xa các điểm nóng tiềm năng ở Vịnh Ba Tư.
Tàu khu trục Takanami 4.650 tấn dự kiến sẽ tham gia vào nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo vào cuối tháng 2/2020 với việc điều động các máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ trên biển và nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại liên quan đến Nhật Bản trong khu vực.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch triển khai luân chuyển các khu trục hạm tới Trung Đông trong vòng 1 năm, chia làm 3 đợt, mỗi đợt 4 tháng và thời hạn có thể được gia hạn với sự chấp thuận của Nội các. Quyết định này đã gặp phải sự chỉ trích của các đảng đối lập và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran tại khu vực Trung Đông.
Iraq có Thủ tướng mới
Tổng thống Iraq ngày 1/2 đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Truyền thông Mohammed Tawfiq Allawi làm Thủ tướng nước này. Quyết định bổ nhiệm được đưa ra hai tháng sau khi Thủ tướng Adel Abdul Mahdi từ chức.
Ông Allawi sẽ giữ chức Thủ tướng Iraq cho đến khi cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức.
Trong bài phát biểu đầu tiên từ khi nhậm chức ngày 1/2, ông Allawi tuyên bố sẽ ngăn cản mọi sự can thiệp từ nước ngoài biến Iraq thành đấu trường để tranh giành quyền lực.
Tiết lộ loạt thư cáo buộc ông Trump giữ viện trợ của Ukraina
Tối muộn hôm 31/1, Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ rằng cơ quan này đang sở hữu hơn 20 thư điện tử liên quan đến những can thiệp của Tổng thống Donald Trump vào việc giữ lại hàng triệu USD tiền viện trợ an ninh cho Ukraina.
Tiết lộ này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu không cho phép triệu hồi thêm các tài liệu và nhân chứng liên quan trong phiên xử luận tội ông Trump, dọn đường cho tuyên bố tha bổng cho ông.
Thông báo được đưa ra lúc gần nửa đêm hôm 31/1 (theo giờ Mỹ), đánh dấu lần đầu tiên chính quyền của ông Trump thừa nhận về sự tồn tại của các thư điện tử liên quan đến suy nghĩ của Tổng thống về số tiền viện trợ, và rằng ông có can thiệp trực tiếp vào việc hỏi về số tiền và quyết định về số tiền, kể từ tháng 6/2019. Chính phủ hiện vẫn đang chặn các email này trước công chúng và đã thành công trong việc giấu chúng khỏi Quốc hội.
Quyết định của ông Trump trong việc giữ lại gần 400 triệu USD tiền viện trợ của Mỹ cho Ukraina trong lúc ông gây sức ép cho nước này phải điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden, là tâm điểm trong phiên toà luận tội ông. Ông Trump và các đồng minh của mình đã liên tục đưa ra các cáo buộc rằng cha con nhà Biden đã phạm tội tham nhũng ở Ukraina
Trâm Anh
Theo Công Lý