Tôi cùng 12 sinh viên tình nguyện ĐH Luật Hà Nội bất chấp thời tiết khắc nghiệt của những ngày mưa tháng 7, vượt Cổng Trời đến với đồng bào Mường ở Nước Ruộng, bản nghèo, hẻo lánh nhất của xã Nam Thượng (Kim Bôi, Hòa Bình).
Tôi cùng 12 sinh viên tình nguyện ĐH Luật Hà Nội bất chấp thời tiết khắc nghiệt của những ngày mưa tháng 7, vượt Cổng Trời đến với đồng bào Mường ở Nước Ruộng, bản nghèo, hẻo lánh nhất của xã Nam Thượng (Kim Bôi, Hòa Bình).
Tuyên truyền pháp luật cho dân bản - Ảnh: H.D
Trời âm u, mưa phùn không ngớt, con đường đất sỏi, dốc dựng đứng trở nên lầy lội hơn. Chúng tôi xuất phát từ trung tâm xã vào bản Nước Ruộng với hành trang là kiến thức, sức trẻ và lòng quyết tâm.
Giữa vùng đồi núi trùng điệp, những màu áo xanh trở nên nhỏ bé. Ai cũng thấm mệt, song suốt dọc đường các bạn luôn cất cao bài hát Mùa hè xanh, Bài ca sinh viên để tiếp thêm sức mạnh.
Lên tới đỉnh dốc, Bí thư Đoàn xã tên Xiêm bảo mọi người nghỉ chân và làm hướng dẫn viên giới thiệu về bản Nước Ruộng.
Vị trí mà chúng tôi vừa đặt chân đến được gọi là Cổng Trời, điểm cao nhất trên con đường mà đồng bào Nước Ruộng phải vượt qua để đến được trung tâm xã. Vậy là chúng tôi đang đứng trên Cổng Trời.
Nhâm nhi cốc nước lá cây rừng, anh Xiêm tiếp tục câu chuyện về những đổi thay của Nước Ruộng. Anh kể về lớp học cho trẻ con, về ánh điện về với bản làng. Trước đây cả bản có 90 hộ với 420 khẩu chỉ dựa vào nương rẫy, 2/3 số hộ thiếu đói quanh năm, chẳng ai nghĩ đến chuyện cho con cái học chữ.
Cuối năm 2011, bà con Nước Ruộng mới được thấy ánh điện, cả bản thịt trâu ăn mừng. Nay đời sống khá lên, hơn 80 hộ có ti vi màu, xe máy, 30 nhà mua đầu video, dàn karaoke, chảo bắt sóng; trẻ em được đi học tại nhà văn hóa và nhà sàn chung...
Tình nguyện viên leo bộ vượt Cổng Trời
Sự có mặt của đông đảo bà con trong đêm biểu diễn văn nghệ có sự góp vui của thanh niên tình nguyện cho thấy người dân ở đây còn rất thiếu thốn về đời sống văn hóa tinh thần.
Buổi tuyên truyền pháp luật được chúng tôi tổ chức vào sáng hôm sau trong hội trường chật cứng người, bà con chăm chú lắng nghe vì được đáp ứng một nhu cầu thiết thực mà trước đây họ chưa từng được biết.
Bác Bùi Văn Quyết, Bí thư Chi bộ, chia sẻ: “Bà con Nước Ruộng vui lắm, thanh niên và các cháu thiếu nhi tập trung hết ra nhà văn hóa, bản làng cứ như có hội... Nếu năm nào cũng có các cháu về tình nguyện thì tốt biết mấy”.
Bác Quyết cho biết dù cuộc sống người dân Nước Ruộng có nhiều thay đổi từ khi có đường, điện, nhưng bà con thực sự còn nhiều vất vả, diện tích đất canh tác ít, nhiều bạn trẻ bỏ đi làm ăn xa, các cháu nhỏ phải học chung một mái nhà sàn…
Trong câu chuyện với bác Bí thư Chi bộ, tôi hiểu rằng, để có được con đường 5 km vào Nước Ruộng, người dân nơi đây đã phải bạt dốc mở đường để giải phóng cho những đôi chân bao đời nay hằn trên đá.
Chúng tôi bước ngược dốc trở lại phía Cổng Trời để về trung tâm xã. Đứng giữa đỉnh dốc, phóng tầm mắt theo những khe đá hiểm trở len lỏi giữa đại ngàn xanh thẳm, chúng tôi tự nhủ sẽ sớm trở lại nơi này để làm nhiều việc hơn nữa cho bà con.
Theo Tienphong