Sự kiện hot
10 năm trước

TP.HCM: Liên minh sàn nhỏ đối trọng với “cá mập”

ĐS&TD - Phát triển thế chân kiềng (gồm môi giới, xây dựng và đầu tư), tự lập sàn giao dịch là cách nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư tại TP.HCM xây dựng để giảm dần sự phụ thuộc vào các sàn bên ngoài. Điều này càng khiến những sàn nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc kiếm được hàng tốt bán ra thị trường. Nhiều chuyên gia dự đoán, khả năng sẽ có những liên minh kiểu G5, G7 xuất hiện để tăng sức mạnh làm đối trọng với sàn lớn trong thời gian tới.


Chủ đầu tư với xu hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào sàn giao dịch ngoài

Xu hướng giảm sự phụ thuộc

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phát triển theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào các sàn môi giới. Trường hợp của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành là một ví dụ khi đơn vị này đang phát triển thế chân kiềng. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng giảm dần sự phụ thuộc vào các sàn bên ngoài khi tự lập sàn giao dịch. Xu hướng này có thể kể đến như Novaland, Nam Long, Hoàng Quân…

Tập đoàn Novaland với hàng chục dự án tọa lạc khắp các quận trọng điểm của TP.HCM như Sunrise City (Q.7), The Prince Residence (Q.Phú Nhuận), Tropic Garden và Lexington Residence (Q.2), Icon 56 và Galaxy 9 (Q.4), Lucky Palace (Q.6), Lucky Dragon và Golf Park (Q.9). Thực tế, dự án của Novaland đều được đơn vị này phân phối, với hệ thống sàn giao dịch trải đều khắp TP.HCM. Theo thông tin từ Novaland, nhân sự của đơn vị này tính đến hết quý 3/2014, có hơn 800 người. Con số này tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm ngoái nhằm phục vụ cho việc kinh doanh.

Các công ty lớn khác cũng liên tục tuyển quân số với quy mô lên đến hàng trăm nhân viên. CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Thanh Yến (Thanh Yến Land) đầu tư của khá nhiều dự án như căn hộ Thanh Đa View, Khu phức hợp cao cấp Nha Trang Center, Cao ốc căn hộ Thanh Yến - Nhà Bè, Cao ốc căn hộ Thanh Yến - Bình An. Điều đáng nói, vừa là chủ đầu tư nhưng Thanh Yến Land tập trung chú trọng vào phát triển hệ thống sàn giao dịch cho riêng mình cùng việc tuyển dụng đội ngũ môi giới hùng hậu.

Cuối tháng 9/2014, Thanh Yến Land tổ chức tuyển dụng nhân sự 3 ngày liên tiếp. Kết quả, công ty tuyển được 300 nhân viên. Hiện tại đơn vị này có tới 3 sàn giao dịch. Theo những thông tin Thanh Yến Land công bố, thời gian tới công ty tiếp tục tăng số lượng sàn giao dịch từ 3 lên thành 6 sàn với 600 - 700 nhân viên kinh doanh.

Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận sự chuyển hướng của một số doanh nghiệp, đơn cử, CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) từ chỗ tập trung môi giới đã chuyển sang hợp tác đầu tư nhiều dự án. Cùng với những công ty thành viên chuyên về xây dựng, thiết kế, đầu tư kết hợp với môi giới, Hưng Thịnh Corp đã và đang mang lại gói giải pháp toàn diện hiệu quả cho sản phẩm. Chính điều này đã làm giá thành sản phẩm giảm đi đáng kể góp phần giúp khách dễ dàng tiếp cận họ.

Liên minh G5, G7 xuất hiện


Thanh Yến Land tuyển quân

Việc các chủ đầu tư đang tự mình lập ra những sàn giao dịch để phát triển dự án khiến nhiều sàn nhỏ rơi vào tình thế khó trong việc tìm kiếm hàng tốt. Tháng 8/2012, tại Hà Nội, Sàn giao dịch bất động sản Sudico (Suree) đã liên kết với 4 đơn vị môi giới khác thành lập “Liên minh các sàn giao dịch bất động sản”, nhằm phát triển thị trường bất động sản. Các thành viên liên kết với Suree đó là CTCP Địa ốc Đất Xanh miền Bắc, Sàn giao dịch bất động sản Châu Á, Sàn giao dịch bất động sản CTCP MAX Việt Nam, CTCP Đầu tư và phân phối DTJ. Liên minh này được xây dựng bằng thương hiệu mới là G5. Và đây cũng được xem như khởi đầu cho “liên minh” các sàn mà theo các chuyên gia trong tương lai sẽ hình thành nhiều hơn.

Tại khu vực phía Nam, nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá hiện tượng này đã và đang dần xuất hiện. Nói về xu hướng liên minh các sàn môi giới bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa đánh giá: “Việc xuất hiện liên minh các sàn môi giới là vấn đề tất yếu, khi các sàn liên minh lại để triển khai một dự án lớn. Họ tập hợp sức mạnh về lực lượng sale, sức mạnh về công nghệ bán hàng và đặc biệt hiệu ứng tạo thị trường. Thử nghĩ xem một dự án khoảng 200 căn hộ, chỉ cần G5 (5 sàn x 50 sale) sẽ có đội ngũ sale tới 250 người thì việc bán 200 căn hộ trong vòng 3 tháng không phải vấn đề lớn”.

“Việc này thực ra là mô hình của các đơn vị phân phối lớn như Hưng Thịnh, Đất Xanh, Danh Khôi… khi duy trì hệ thống phân phối thông qua thành lập các chi nhánh, công ty con. Về sau, các đơn vị mạnh tài chính áp dụng mô hình này như Novaland, Thanh Yến... Do vậy, các sàn trung bình liên kết lại tạo ra một đối trọng cho các công ty phân phối lớn” - ông Quang phân tích.

Theo ông Quang: “Với tình hình bất động sản đang trong giai đoạn phát triển như hiện nay, tương lai còn xuất hiện nhiều chủ đầu tư lớn, các dự án lớn tiếp tục sẽ xuất hiện các liên kết sàn mới như G20 đang được hình thành”.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng: “Mặt trái của liên minh là khi các sàn liên minh tạo áp lực lên giá bán sản phẩm, vì lúc này phí môi giới bị đẩy lên ít nhất là 50% so với phí thông thường. Ngoài ra, việc tồn tại lâu dài cho các liên minh G5, G7... là một vấn đề khó bền vững vì sự liên kết này chỉ mang tính nhất thời, tùy vào tình hình thị trường”.

Vũ Sơn - Dã Quỳ

Từ khóa: