Dọc dải đất hình chữ S thân thương, thanh niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2012 đã có nhiều trải nghiệm quý báu hơn.
Dọc dải đất hình chữ S thân thương, thanh niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2012 đã có nhiều trải nghiệm quý báu hơn.
Trước khi về Việt Nam tham gia trại hè, hành trang của bạn trẻ kiều bào đơn giản chỉ là thông tin qua internet, chuyện kể từ người thân...nên hầu hết đều bỡ ngỡ. Phạm Anatoli Thành (Belarus) có thời gian gắn bó ở Việt Nam lâu hơn, thành thạo tiếng Việt so với nhiều bạn trong đoàn, nhưng vẫn háo hức, hồi hộp vì đây là lần đầu xuyên Việt.
Bạn trẻ kiều bào lên tàu rời đất liện - Ảnh: MXT
“Trước khi về dự trại hè, em biết thời tiết rất khắc nghiệt, nhưng không nghĩ đến mức quạt luôn tay thế này. Tuy nhiên, em vẫn vượt qua được”, Nguyễn Hoàng Ngọc Trân (LB Nga) chia sẻ.
Qua mỗi vùng miền, các bạn lại được nếm thử hương vị chua cay của miền Trung, ngòn ngọt miền Nam, làm quen với giọng nói của người dân địa phương. Nhiều bạn trong đoàn từ chỗ lạ lẫm nhanh chóng tập nói “răng”, “mô” “rứa” “ni”… của người xứ Nghệ, Huế.
Nhiều bạn sinh ra ở nước ngoài mới đầu cũng bỡ ngỡ với phong tục tập quán như chắp tay niệm Phật, thắp hương cầu khấn, cách ứng xử nơi đền chùa. Ngọc Trân chia sẻ: “Lần này em biết nhiều về lịch sử văn hóa Việt Nam. Em thấy cuộc sống làng quê Việt rất giản dị và bình yên”.
Trong gần 20 ngày, các bạn đã giao lưu, tìm hiểu địa danh văn hóa, lịch sử, tưởng nhớ các danh nhân và anh hùng dân tộc.
Vẫn còn đấy những nén hương, ngọn nến và giây phút đầy xúc động trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại Thái Bình, ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo …Nguyễn Đức Tùng (kiều bào Nga) xúc động: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia lễ thắp nến quy mô lớn thế này”.
Chuyến đi đem lại cơ hội cho những người trẻ gắn mình với sinh hoạt tập thể, tuân thủ kỷ luật, sống tự lập. Qua hành trình xuyên Việt, bạn trẻ trở về từ những nước khác nhau ngày càng gắn bó, trách nhiệm hơn với bản thân và tập thể. Các bạn cùng nói tiếng Việt, cùng khám phá những nét văn hóa truyền thống để hiểu hơn về nguồn cội.
Huyền Linh (Việt kiều Belarus, quê ở Vinh, Nghệ An) trở thành hướng dẫn viên cho các bạn trong nhóm khi đoàn có thời gian nghỉ và hoạt động tại TP Vinh. Lê Đức Phúc cùng Nguyễn Ngọc Hoàng Trân (LB Nga) làm phiên dịch, giải thích ý nghĩa ca từ trong bài hát tiếng Việt sang tiếng Nga cho các bạn…
Theo những vòng xe xuyên Việt, Hoàng Nga (Belarus) thưa dần hơn những lần gọi điện hỏi bố mẹ, hay người thân vì dần chủ động lên mạng tìm kiếm thông tin và hỏi bạn bè.
Thông tin về đất mẹ được bạn trẻ cập nhật thường xuyên trên các trang mạng xã hội. “Biết hơn về Việt Nam, em nghĩ mình cố gắng sống vì quê hương nhiều hơn, cố gắng học tập tốt hơn”, Ngọc Trân chia sẻ.
Theo Tienphong