Có được số tiền khá lì xì "bộn" sau dịp Tết, một số sinh viên đã quyết định sử dụng nó vào việc mua sắm, “tút” lại hình thức bên ngoài để thay đổi hình ảnh trong mắt bạn bè ở những ngày đầu năm mới.
Có được số tiền khá lì xì "bộn" sau dịp Tết, một số sinh viên đã quyết định sử dụng nó vào việc mua sắm, “tút” lại hình thức bên ngoài của bản thân để thay đổi hình ảnh trong mắt bạn bè ở những ngày đầu năm mới.
Ngay buổi học đầu tiên sau đợt nghĩ tết, Minh - sinh viên trường ĐH Công Nghiệp TP HCM đã khiến cho mọi người phải ngỡ ngàng vì phong cách ăn mặc cũng như đầu tóc mới toanh của mình. Sau vài câu nói chuyện, được bạn bè khen tíu tít, Minh mới chia sẻ: "cả năm mới được nhận tiền lì xì phải "tân trang" mình một chút cho mới mẻ chứ".
Còn Sơn lại "đốt" ngay vào đôi dép Doctor gần 2 triệu đồng. "Thấy người ta mang cũng thích lâu lắm rồi nhưng đắt quá, tết rồi mình gom được tiền lì xì nên mới dám mua nè", anh bạn trẻ tâm sự.
Trong khi đó, nhiều bạn trẻ khác lại "dốc hầu bao" thực hiện những ước mơ của mình mà trước đó khó thực hiện được như đi du lịch, hay sắm những món đồ đắt tiền, có giá trị cao như đồng hồ hiệu, xe máy, mỹ phẩm nước hoa đắt tiền, điện thoại…
Thích được bạn bè "ngưỡng mộ" và nể phục, ngay ngày tết, Hoa vi vu trên chú Vespa mới cáu, sang trọng. Theo lời cô bạn thì đây là “lộc” được ba mẹ tặng đầu năm khiến ai cũng tưởng thật, hết lời khen ngợi.
Không ít bạn trẻ dành dụm tiền lì xì để mua sắm (ảnh minh họa)
Nhưng vài ngày sau, vô tình một bạn trong nhóm gần nhà Hoa phát hiện chiếc xe đắt tiền đó là "công" của Hoa đã tích lũy trong những ngày tết, sau đó vay mượn thêm để mua chiếc xe trả góp nhằm làm công cụ "lượn phố" cho oai với bạn bè. Nghe xong, ai cũng choáng!
Bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều teen hiểu được giá trị của đồng tiền không thỏa sức phung phí tiền lì xì sau tết. Giống như Linh, gia đình cũng khá giả, số tiền lì xì hằng năm của bạn ấy lên đến vài triệu đồng nhưng chưa giờ tiêu xài vào những khoản không đáng.
Sau thời gian tiết kiệm được từ số tiền ba mẹ cho hàng tháng, giờ cộng thêm tiền lì xì thế là cô ấy được toại nguyện khi tự “thưởng” cho mình chiếc xe đạp điện, đóng tiền học Ngoại ngữ...
Nhiều sinh viên đã "lập sòng" để sát phạt nhau (ảnh minh họa)
Riêng Hồng thì có bao nhiêu tiền lì xì cô bạn đều bỏ vào ống heo, "gia đình mình không được khá giả, đôi lúc cũng túng quẫn và thiếu thốn nên "tranh thủ" những khoản tiền này mình "tích tiểu thành đại" để phòng ngừa những lúc khó khăn về sau. Xem ra cũng xoay sở được một chút", cô bạn chia sẻ.
Vì thế, việc nhận được tiền lì xì đầu năm có “sức hút” khá mạnh mẽ, nhất là đối với các bạn tuổi trẻ. Đó là "cơ hội" để họ có thể đáp ứng sự thích thú của bản thân, thực hiện những gì mình đã từng mơ ước, tiêu vào những khoản shopping, mua sắm kể cả "lấy le" bằng cách vung tiền trước mặt mọi người nhằm thể hiện đẳng cấp của mình.
Có rất nhiều cách để teen sử dụng tiền lì xì sau tết, nhưng để biết xài đúng nơi, đúng mục đích thì không phải ai cũng thực hiện được.
Việc tiêu xài đúng chỗ nó không chỉ giúp ích cho bản thân, mà còn phòng ngừa được hiện tượng bệnh "viêm màng túi", đôi lúc là "chiếc phao" cứu sinh cho bạn trong những lúc cần thiết.
Nhưng trong thực tế, không ít bạn trẻ có ít tiền lì xì là vung tay tiêu xài quá mức, bỏ bê học hành để tụ tập chơi bời, đánh bài… đến lúc “cháy túi” phải cầu cứu tới gia đình, người thân hoặc có trường hợp phải đem tài sản đi cầm cố.
Theo Bưu điện Việt Nam