Trong khi các ngân hàng chạy đua phát hành thẻ mới thì một lượng không nhỏ thẻ ATM đang trở thành “rác”, gây lãng phí lớn.
Trong khi các ngân hàng chạy đua phát hành thẻ mới thì một lượng không nhỏ thẻ ATM đang trở thành “rác”, gây lãng phí lớn.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng (NH) Nhà nước, đến tháng 6-2011, cả nước có gần 34 triệu thẻ thanh toán do các NH phát hành, gồm thẻ ATM, thẻ tín dụng... Trong đó, thẻ ATM chiếm hơn 93% (gần 32 triệu thẻ). Con số trên sẽ không ngừng tăng lên do các NH hiện vẫn đang ráo riết phát hành thêm, nhất là loại thẻ ATM. Một lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM nhận xét con số này chưa phản ánh đúng thực tế lượng người dùng thẻ bởi một lượng không nhỏ số thẻ ATM đã trở thành thẻ “rác” do sau khi phát hành đã không còn được sử dụng.
Thẻ “chết” có thể đến 50%
Anh Minh, nhân viên một cơ quan Nhà nước ở quận 1 – TPHCM, cho biết hiện trong ví của anh đang có đến 4 thẻ ATM của 4 NH khác nhau nhưng anh chỉ sử dụng thường xuyên thẻ của một NH. “Thời sinh viên, các NH phát hành thẻ ATM miễn phí nên tôi có mở tài khoản nhưng rất ít dùng. Đến khi đi làm, cơ quan trả lương qua thẻ của NH khác. Đến nay, sau 2 lần chuyển công tác, tôi có tới 4 thẻ ATM” – anh Minh nói. Nhiều sinh viên cho biết: Không ít NH cho nhân viên về tận trường mời mở thẻ ATM miễn phí nên sinh viên nào cũng có thẻ nhưng rất ít dùng, thậm chí dùng cạn số dư theo quy định là bỏ xó…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam, cho biết : Có khách hàng từ lúc mở thẻ ATM đến lúc thẻ… hết hạn vẫn chưa một lần sử dụng. |
Chuyện thẻ ATM “rác” đang ngày càng phổ biến khi các NH chạy đua phát hành thẻ. Không chỉ thẻ ATM mà nhiều loại thẻ tín dụng cũng được nhân viên các NH điện thoại chào mời khách hàng liên tục để đạt chỉ tiêu NH quy định, vì vậy chủ thẻ có nhu cầu sử dụng thật sự hay không nhiều khi không quan trọng.
Theo thống kê, đến hết năm 2010, các NH có số phát hành thẻ cao là Vietcombank 4,7 triệu thẻ ATM; VietinBank 5,6 triệu thẻ; Đông Á 5,1 triệu thẻ và đứng đầu là Agribank với 5,7 triệu thẻ. Doanh số sử dụng thẻ nội địa của các NH gần 500.000 tỉ đồng, trong đó 83% là các giao dịch rút tiền mặt. Theo tính toán của một lãnh đạo Hội Thẻ Việt Nam, số lượng thẻ ATM “rác” hiện có thể lên tới 50%. NH nào có lượng phát hành thẻ cao, khách hàng sử dụng thẻ thường xuyên thì số lượng thẻ “chết” cũng phải khoảng 30%.
Ông Trịnh Thượng Thức, Trưởng Phòng Dịch vụ thẻ Vietcombank TPHCM, thừa nhận: Vietcombank là một trong những NH có tỉ lệ khách hàng sử dụng thẻ ATM thuộc loại cao nhưng cũng không tránh khỏi một lượng thẻ là thẻ “rác”. Tình trạng mỗi người có nhiều thẻ NH khác nhau nhưng không sử dụng hết đang gây lãng phí lớn...
Nhiều NH đang xem việc phát hành thẻ như một kênh để quảng bá thương hiệu nên không chú trọng đến hiệu quả sử dụng thẻ, nhất là thẻ ATM. (Ảnh minh họa).
Quảng bá và huy động vốn…
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, nhiều NH đang xem việc phát hành thẻ như một kênh để quảng bá thương hiệu nên không chú trọng đến hiệu quả sử dụng thẻ, nhất là thẻ ATM. Hơn nữa, đây cũng được xem là một kênh huy động vốn lãi suất thấp (lãi suất không kỳ hạn) của các NH bằng quy định số dư tối thiểu trong mỗi tài khoản là 50.000 – 100.000 đồng. Số dư trong từng tài khoản thường là không lớn nhưng nếu tính chung hàng triệu tài khoản thẻ cộng lại thì số tiền không hề nhỏ. Chính nguồn lợi này đã đẩy các NH liên tục chạy theo số lượng, phát hành thẻ càng nhiều càng tốt, thay vì chú trọng đến chất lượng dịch vụ đi kèm.
Các chuyên gia tài chính cho rằng để giảm tình trạng ATM “rác”, mỗi NH phải không ngừng cạnh tranh về chất lượng dịch vụ thay vì chạy đua theo số lượng và các dịch vụ của NH nào cũng “sàn sàn” như nhau. Theo ông Đoàn Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB), để tránh trở thành thẻ “rác”, các thẻ ATM của NH ra đời sau cần được chú trọng đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, tiện ích và sự khác biệt để tạo niềm tin cho khách hàng. “NH nào có nhiều dịch vụ tiện ích qua thẻ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng sẽ giữ chân được khách hàng, còn ngược lại thì sẽ trở thành thẻ “chết” – ông Long nói.
Theo 24h