Mặc dù bản án dân sự giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật và đã thi hành, nhưng ông Nguyễn Văn Lắm, sinh năm 1959 và bà Lê Thị Mảnh, sinh năm 1955 (vợ ông Lắm)
Mặc dù bản án dân sự giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật và đã thi hành, nhưng ông Nguyễn Văn Lắm, sinh năm 1959 và bà Lê Thị Mảnh, sinh năm 1955 (vợ ông Lắm) thường trú tại tổ 8, ấp Bưng Môn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến nay vẫn còn bức xúc, vì cho rằng hai cấp xét xử của TAND huyện Long Thành và TAND tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, xét xử ép, dẫn đến án oan sai cho gia đình ông, bà.
Bà Thung treo bảng bán đất
Từ những bức xúc như đã nói, ông Lắm, bà Mảnh đã gửi đơn khiếu nại lên TAND Tối cao để xin kháng nghị Giám đốc thẩm, nhưng không thấy hồi âm của TAND Tối cao. Nay ông Lắm, bà Mảnh vẫn tiếp tục gửi đơn xin kháng nghị Bản án dân sự Sơ thẩm số 279/2008/DSST ngày 04/12/2008 của TAND huyện Long Thành và Bản án dân sự Phúc thẩm số 59/2009/DSPT ngày 24/3/2009 của TAND tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Lắm, bà Mảnh, ông bà có một thửa đất, nguồn gốc do ông Nguyễn Văn Tốt (anh trai ông Lắm) để lại. Năm 1995, ông Hà Quang Thông (người cò đất) ở thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, do quen biết ông Lắm nên đã đặt vấn đề với vợ chồng ông Lắm cho bà Quảng Thị Thung (sinh năm 1936; thường trú tại số 17, lô H, Phạm Văn Tri, phường 7, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) mượn một phần đất để làm nơi thờ Phật, vì bà Thung có căn tu. Ông Lắm, bà Mảnh đã đồng ý với ông Thông là cho bà Thung mượn 1.500m2 để bà Thung làm nơi thờ tự, khi nào bà Thung qua đời thì trả lại đất cho gia đình ông Lắm. Sau khi mượn được 1.500m2 đất, bà Thung đã làm một căn nhà cấp 4, với diện tích khoảng 100m2 để ở và thờ cúng.
Thế nhưng sau đó, bất ngờ ông Lắm, bà Mảnh bị bà Thung thưa kiện ra Tòa, lý do gia đình ông Lắm đã bán 1.500m2 đất đó cho bà Thung với giá 01 chỉ vàng.
Theo ông Lắm, thực tế do mượn đất lâu dài nên bà Thung có hỗ trợ cho gia đình ông 01 chỉ vàng 24K. Có điều, chính ông Hà Quang Thông lại viết sẵn một tờ giấy với nội dung ông Lắm, bà Mảnh có nhận của bà Thung một chỉ vàng, rồi yêu cầu ông Lắm, bà Mảnh ký tên vào tờ giấy đó. Diễn biến sự việc, theo ông Lắm, ông bà đã bị lừa vì phía nguyên đơn đã dùng chữ ký nhận 01 chỉ vàng của ông bà để photo lại làm thành văn bản bán đất.
Mặc dù giấy nhượng đất chỉ là bản photo, không có giá trị pháp lý, nhưng hai cấp xét xử của TAND huyện Long Thành và TAND tỉnh Đồng Nai đều không tuyên xử hợp đồng vô hiệu mà đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện và công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Văn Lắm, bà Lê Thị Mảnh với bà Quảng Thị Thung. Nay ông Lắm, bà Mảnh vẫn khẳng định, giấy chuyển nhượng đất giữa ông, bà với bà Quảng Thị Thung là giấy tờ do ông Hà Quang Thông làm giả, nhằm hợp thức hóa 1.500m2 đất để trục lợi. Hiện nay, bà Quảng Thị Thung đang treo biển bán đất, mà ông Lắm, bà Mảnh chỉ cho bà Thung mượn ở cho đến khi bà Thung qua đời.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lắm, bà Lê Thị Mảnh vẫn tiếp tục gửi đơn đến TAND Tối cao để đề nghị TAND Tối cao yêu cầu TAND tỉnh Đồng Nai xuất trình bản chính của giấy chuyển nhượng đất giữa ông, bà là Nguyễn Văn Lắm và Lê Thị Mảnh với bà Quảng Thị Thung. Nếu TAND tỉnh Đồng Nai không xuất trình được bản chính giấy chuyển nhượng đất thì ra quyết định kháng nghị hủy hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Long Thành và TAND tỉnh Đồng Nai theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm để xét xử lại.
Đề nghị TAND Tối cao xem xét lại hồ sơ của vụ án, nếu có dấu hiệu giả mạo giấy tờ thì xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chấm dứt khiếu kiện kéo dài.
Bình Dương
theo Thanh tra