Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch cụ thể để biến các chủ trương thành hành động cụ thể, với quyết tâm hoàn thành tuyến đường Vành đai 4 đúng tiến độ.
UBND thành phố Hà Nội xác định, dự án có khối lượng công việc rất lớn và các đặc điểm đặc thù của dự án như: Việc giải phóng mặt bằng được tách thành dự án thành phần, vốn đầu tư dự án gồm nhiều nguồn khác nhau, nhiều thủ tục trình tự chưa có quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật, triền khai với nhiều cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua..
Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội vừa giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương, trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, sử dụng tối đa sức mạnh, trí tuệ tập thể để triển khai đồng thời các công việc của dự án.
UBND thành phố phân công rõ nhiệm vụ đối với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố và các đơn vị có liên quan để chủ động triển khai tổ chức thực hiện.
UBND thành phố Hà Nội giao kế hoạch trong tháng 1/2023 phải phê duyệt các dự án thành phần; Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội và Dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023.
Đồng thời, triển khai thực hiện dự án, phấn đấu khởi công dự án trong tháng 6 năm 2023; tập trung thi công cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Về công tác bố trí tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng, UBND thành phố giao UBND các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh. Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín rà soát nhu cầu tái định cư, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố đề xuất danh mục các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư theo quy hoạch, quy mô, các hạng mục đầu tư, dự kiến tổng mức đầu tư... báo cáo UBND Thành phố xem xét chấp thuận, triển khai lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các khu tái định cư bằng nguồn vốn dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hoàn thành trong tháng 4/2023.
Đối với UBND quận Hà Đông cần rà soát nhu cầu tái định cư, phối họp với Sở Xây dựng tiến hành rà soát quỹ nhà tái định cư trên địa bàn để thành phố xem xét chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện được bố trí nhà tái định cư, hoàn thành xong trong tháng 9/2022.
Dự kiến, trong quý 3 năm nay, thành phố Hà Nội phối hợp với các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND các tỉnh; Hưng Yên, Bắc Ninh để thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án theo chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo triển khai các công việc liên quan của các dự án thành phần đảm bảo tính đồng bộ về tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, hiệu quả.
Tiến Hoàng/KTDU