Đại diện 54 dân tộc anh em dưới cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: NLĐO
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin của Bộ Tư lệnh Quân khu Quảng Châu cho biết Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) đã phê chuẩn thành lập bộ chỉ huy quân đồn trú ở “TP" mới được thành lập này.
Theo đó, bộ chỉ huy quân đồn trú này sẽ là bộ chỉ huy cấp phân khu, chịu sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Nam, chịu trách nhiệm quản lý việc điều động các đơn vị quốc phòng, lực lượng dự bị và tiến hành các chiến dịch quân sự.
"Bộ Chỉ huy quân đồn trú Tam Sa" của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ nằm dưới sự lãnh đạo song song của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam và các lãnh đạo dân sự.
Trước việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “TP Tam Sa”, ngày 23-6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có phát biểu phản đối hành động này của Trung Quốc.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: "Huyện đảo Hoàng Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của TP Đà Nẵng. Chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hết sức bất bình trước việc Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là “TP Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Hoàng Sa".
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng nêu rõ: "Huyện đảo Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa hết sức bất bình trước việc Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là “TP Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa".
Cả hai Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa cùng khẳng định: "Quyết định thành lập cái gọi là “TP Tam Sa” của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý. Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp này, không có thêm hành động làm tổn hại đến quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước".
Về việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập "TP Tam Sa" bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, cựu biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm qua bài viết Lập TP Tam Sa hay trò hề quốc tế: Cần dẹp bỏ ngay!. Bài này đã được nhiều diễn đàn mạng đăng lại.
Theo ông Chu, “nhiều người Trung Quốc đến giờ vẫn không hiểu tại sao lần đầu tiên Nga tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2012 do Mỹ chủ trì ở Thái Bình Dương. Thực ra, đó chính là sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước động thái lập TP Tam Sa, vốn đi ngược lại luật pháp quốc tế và thể hiện sự vô trách nhiệm của Trung Quốc”.
Vào ngày 17-7, ông Chu viết tiếp bài Hiện trạng biển Đông có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc. “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra TP Tam Sa là phô bày nỗi ô nhục của Trung Quốc, buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải “trở mặt” với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế... Từ nhỏ, người dân Trung Quốc nào cũng quen với đường biên giới đứt đoạn màu hồng, ôm trọn toàn bộ biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc. Thế nhưng, đến nay, chúng ta mới biết thực tế không đúng như vậy. Đường biên giới quốc gia ấy không được các nước láng giềng và quốc tế công nhận là điều dễ hiểu. Điều bi hài ở chỗ, chính chính phủ và các học giả trong nước cũng không giải thích rõ được”.
"Nếu tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc đến giờ vẫn không đọc hiểu được “thứ ngôn ngữ quốc tế chung đó” thì sẽ kéo nhân dân Trung Quốc sa vào một cuộc chiến tranh không thể thoát ra. TP Tam Sa là một trò cười quốc tế điển hình” - ông Chu nhấn mạnh.
Theo ông Chu, chính phủ Trung Quốc cần nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa sai. Ông Chu kêu gọi “hãy lập tức hủy bỏ TP Tam Sa, nhanh chóng triển khai đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh biển Đông, dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng và loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Ông Chu kết luận: "Trong xử lý vấn đề quốc tế phức tạp, tồn tại tranh chấp nghiêm trọng giữa các nước, tuyệt đối không được tự mình hành động một mình, chỉ nói điều mình nghĩ; như thế không những không giúp gì cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế, mà còn làm tình hình xấu thêm".