Sự kiện hot
8 năm trước

Từ 15/8/2017, giá điện sẽ có tăng, có giảm

Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, nếu EVN không điều chỉnh giảm.

Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, nếu EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân.

Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8 tới đây, quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Quyết định số 24, hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch. Để đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc tăng giảm giá điện, sẽ có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ thông qua việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm, kiểm tra điều chỉnh giá điện.

Bộ Công thương có trách nhiệm công bố công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực.

Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Các nội dung kiểm tra, giám sát và công bố công khai bao gồm chi phí thực tế các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, quản lý chung, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí khác; kết quả kinh doanh lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các chi phí được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trong quá trình kiểm tra có thể mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia.

Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được điều chỉnh giảm. Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Đặc biệt, Quyết định nêu rõ, đối với trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Nếu EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân.

Trường hợp vi phạm quy định về điều chỉnh, tính toán giá bán điện bình sẽ xử lý theo quy định pháp luật quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109.

Hiếu Minh
Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Từ khóa: