Tiếp xúc với Nguyễn Quý Bình, chủ tịch Hội Hành trình xanh Hà Nội bây giờ khó ai có thể tưởng tượng rằng Bình đã từng nghiện game đến độ chơi liên tục 3 ngày 3 đêm.
Tiếp xúc với Nguyễn Quý Bình, chủ tịch Hội Hành trình xanh Hà Nội bây giờ khó ai có thể tưởng tượng rằng Bình đã từng nghiện game đến độ chơi liên tục 3 ngày 3 đêm.
Nguyễn Quý Bình trong một chuyến đi xuyên Việt của Hành trình xanh.
Một tháng bốc bao tải đổi lấy ba ngày “sống mái” với Võ Lâm
“Hồi nhỏ mình thích hoạt hình, thấy nhân vật game giống trong hoạt hình mà lại điều khiển được nên kết lắm”. Và thế là từ khi học lớp một cậu bé Bình đã bị hút hồn bởi thế giới game.
“Đánh thua một trận thì phải cày cho đến khi nào thắng mới thôi, đã thắng rồi thì phải cày để thắng nhiều hơn nữa.”
Để rồi cậu phải tích cóp từng 500đ mẹ thưởng mỗi khi được điểm 10, từng đồng tiền công ít ỏi khi đi phụ mộc để đổ vào chơi game.
Đặc biệt hè năm học lớp 11(2006), sau một tháng làm nhân viên bốc bao tải trong nhà máy nhựa, cậu được trả lương 800 nghìn đồng. Có tiền, cậu bắt xe lên Hưng Yên( Quê Bình ở Hải Dương) để cùng một cậu bạn “cày” Võ Lâm Truyền Kỳ thâu đêm suốt sáng.
Suốt ba ngày chơi game, không tắm, không giặt cũng không cảm thấy đói vì mải đánh quái, luyện level. Trong ba ngày đó, cậu chỉ tranh thủ ăn đúng một lần khi máy chủ phải dừng lại để bảo trì 30 phút.
Khi đã trở thành sinh viên đại học Công nghiệp Hà Nội, có tiền, có máy, có thời gian, có bạn, Bình lại càng ra sức chăm chút cho nhân vật ảo của mình.
Nguyễn Quý Bình hướng dẫn các bạn trẻ trong Hành trình xanh một trò chơi tập thể.
Bước ngoặt mang tên Hành trình xanh
Thế từ lúc nào em không nghiện game nữa ? “Từ lúc tham gia Hành trình xanh”, Bình trả lời ngay mà không hề do dự.
Đầu mùa hè năm 2009, thấy có thông báo tuyển thành viên đi đạp xe xuyên Việt, thấy hay hay nên Bình đăng ký thử. Lúc đầu Bình cũng chỉ tham gia cho vui, rời sân tập về nhà là lại cắm đầu vào chơi game tiếp.
Nhưng kể từ sau hai ngày tình nguyện tại trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, Bình thay đổi hẳn. Cậu nhận ra rằng: những đồng tiền cần phải đem đến cho những con người bất hạnh kia chứ không phải ném vào game. Level, trang bị trong game là ảo nhưng những con người thiếu chân, cụt tay kia, những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần kia lại thực đến nao lòng.
Từ đó hàng ngày thay vì ngồi “gõ phím bình thiên hạ” cậu tích cực ra sân Mỹ Đình tập thể lực cho chuyến đi xuyên Việt. Nhiều đêm, Bình không xưng hùng, xưng bá trong game nữa mà thức… trông xe cho các bạn ngủ ngon. Nếu như trong game cứ gặp nhau là “nhất kiếm đoạt mạng”, “ one hit one kill” thì ở ngoài đời làm tiểu đội trưởng an ninh(quản lí 15 người) Bình lại dùng tình cảm để quản lý các thành viên.
Rồi chuyến đạp xe xuyên Việt năm 2009 cũng đến. Suốt một tháng, sáng đạp xe, chiều tất bật tuyên truyền bảo vệ môi trường, quét dọn đường làng ngõ xóm, thăm những mảnh đời không nơi nương tựa đã khiến cho Bình trưởng thành hơn trong cách nghĩ, cách làm.
Sang năm 2010, các nhân vật trong game của Bình thì đóng băng nhưng level của cậu ở Hành trình xanh thì tăng nhanh chóng: từ đội trưởng an ninh đến phó chủ tịch rồi chủ tịch Hành trình xanh Hà Nội.
Bây giờ Hành trình xanh Hà Nội đã có 120 thành viên, tổ chức được nấu cháo từ thiện và dọn dẹp vệ sinh hàng tuần, hàng tháng tổ chức đi tình nguyện tại các tỉnh xung quanh Hà Nội. Thành quả tuy chưa lớn nhưng không thể không kể đến công sức của vị chủ tịch mới là sinh viên khoa Điện tử năm thứ ba, Trường đại học Công nghiệp.
Giờ mình vẫn chơi game nhưng không nghiện như xưa nữa, mình dành sức để cày “game” tình nguyện mà thôi”. Bình hào hứng chia sẻ.
Theo Tiền phong online