Sự kiện hot
13 năm trước

Tự sự của một teen vùng lũ: Thương lắm miền Trung!

Mình ước mưa nhỏ đi, ước nhà đừng dột, gió đừng len qua mái rèm nữa. Để cha mình không bị ho, mẹ mình có thể ngon giấc, nhà nhà không phải đỏ đèn suốt đêm chuẩn bị đồ chạy lũ...

Mình ước mưa nhỏ đi, ước nhà đừng dột, gió đừng len qua mái rèm nữa. Để cha mình không bị ho, mẹ mình có thể ngon giấc, nhà nhà không phải đỏ đèn suốt đêm chuẩn bị đồ chạy lũ...

Đêm nay trời mưa rất to. Mưa xối xả đập vào chiếc rèm cửa, lộp bộp trên từng tấm tro ngoài hiên. Mưa kéo dài đã hơn tuần nay rồi. Mẹ vẫn chưa đi ngủ được vì nước đã lọt qua mái ngói rơi xuống nền nhà. Mẹ chỉ kịp thốt lên: “Lại dột!” rồi tất tưởi xuống nhà dưới lấy xoong nồi hứng nước. Mình cũng rời bàn học để phụ mẹ kẻo nước lênh láng khắp nhà.

Cha thở dài: “Mưa dai quá, chẳng mấy chốc lại lụt cho coi. Tui lại quên kiếm mo cau ém vào mấy chỗ ngói bị vỡ”. Mẹ nói nhỏ: “Đằng mô cũng mưa rồi, lo mai mốt mà lụt lại phải đi gửi trâu bò ở nhà dì”.


Teen quê mình quen với bão lũ từ hồi còn bé xíu

Quê mình ở miền Trung, năm nào lũ cũng thi nhau kéo về. Từ hồi mình sinh ra tới giờ, cha bảo chưa sót năm nào không có lũ. Hồi sinh anh mình lũ to lắm, tới cả nóc nhà cơ. Nghe cha kể đó là trận lụt lịch sử, cha phải dọn đồ lên sàn, nấu ăn trên tấm giong. Bây giờ vẫn chỗ thấp phải di tản đi nhà người thân ở nhờ.

Sau này, mình chứng kiến rất nhiều đợt lũ, lũ thường niên nên người dân quê mình cũng thấy quen. Năm nào cũng sống chung với lũ ít nhất một đợt. Ngày còn bé, mình cũng thích lũ lắm đấy. Trong cách nghĩ non nớt trẻ con, mình chỉ mong mưa thật to để lũ về và mình sẽ được nghỉ học, tha hồ đi tắm, theo anh đi thả lưới bắt cá. Có lần mình hồ hởi nói với mẹ “con thích lụt về mẹ ạ, con được chèo nốc (thuyền) đi chơi”. Khi ấy mẹ mắng mình một trận.

Đến giờ này mình mới hiểu, chẳng ai thích lũ về cả trừ con nít bọn mình. Lớn lên một chút, bắt đầu biết lo toan, biết nghĩ hơn, mình thấy sợ lũ vô cùng. Đêm nằm ngủ nghe mưa rơi xối xả, gió tạt ào ào, thấy mẹ trở mình không ngủ được, mình biết lũ sắp về. Có khi cả xóm đỏ đèn tới khuya để dọn đồ đạc cất cẩn thận phòng nước lên không kịp trở mình. Và chỉ cần nghe tiếng người rì rầm đầu ngõ, đèn pin lóe sáng, mẹ cũng hỏi với theo trong lo lắng: “Chú ơi, nước tới chỗ mô rồi?”.

Khổ nhất là những nhà ở vị trí thấp, nước có thể đột nhập bất cứ lúc nào. Nhiều khi ti vi quay cảnh lũ lụt càn quét nhà dân, lũ về nhanh quá khiến họ không kịp trở tay, mình thấm thía lắm, vì mình hiểu, không phải họ chủ quan đâu mà bởi lũ kia hung dữ quá. Nó nhẫn tâm quét đi lúa, gạo, cuốn con lợn, con gà mà họ mất bao nhiêu công chăm bẵm đi theo và nhấn chìm tất cả trong biển nước.

Năm ngoái lũ về chỉ trong một đêm, sáng dậy nước đã trắng đồng trước nhà, mấp mé đường làng. Nước ồ ồ đổ về. Mẹ lay mình dậy khi hãy còn sớm lắm. Rồi mẹ lấy rơm, quang gánh bảo mình đi hái rau muống không nước ngập mất. Cha với anh và em Đạo ra đồng hái đỗ.

Mẹ giải thích: “Chưa chín cũng phải hái, xanh nhà hơn già đồng con ạ, mồ hôi công sức đổ ra mà chưa thu được chi cả”. Hai mẹ con đi hái rau, may rau nhà mình trồng đất cao, những nhà khác gần như ngập hết. Sáng đó, người ra đồng từ rất sớm, ai cũng mong vớt vát được chút ít gọi là lấy công. Rồi mẹ quảy gánh rau ra chợ.

Mẹ nhắn mình ở nhà chú ý bầy vịt, nước lụt nó bơi đi là mất hết. Cũng có năm bầy vịt nhà mình theo nước đi ăn xa quá và lạc mất, cả nhà mình đi tìm đến tối mà không thấy. Thế là mất, đến giờ mẹ vẫn xót của.


Miền Trung nước lũ, đứng ngồi không yên...

Mưa thêm vài ngày là nước lên. Khi nước bắt đầu ngập tới đường làng, cha bảo em Đạo cho trâu vào nhà dì chạy lũ. Hầu như cả làng mình khi ấy đều phân công người đưa trâu đi gửi. Hôm sau, cả làng đã như một ốc đảo, nước vây kín tất cả các con đường.

Lũ ở lại lâu ngày không chịu đi, mọi người lại í ới hỏi nhau có ai chèo nốc đi chợ được không để gửi mua đồ. Chợ trong xã cũng ngập nên phải đi chợ vùng.

Cũng có nhà đánh liều làm thịt con lợn vừa có dùng, vừa bán cho bà con được ít (bán chịu là chính). Rau củ trong vườn được tận dụng triệt để, nhà nào nhiều hơn lại chia cho hàng xóm. Mấy cậu con trai thi nhau lặn hụp để lôi rau muống đã bị ngập lên. Rau khi bị ngập thường rất dài nhưng ăn thì xộp xộp chẳng ngon đâu, lại có mùi úng nước nữa. Nhưng không có vẫn phải ăn mà.

Ở quê mình các bà các mẹ hay dùng quả mít xanh và xơ mít chín để muối. Món nhút này muối mặn để dùng được quanh năm. Ngày mưa bão nó đúng là vị cứu tinh. Ăn cơm với nhút hay nước mắm, lạc, tương. Thực đơn chủ yếu của những ngày lũ quê mình đó.

Đêm nay, mình ước mưa nhỏ đi, ước nhà đừng dột, gió đừng len qua mái rèm nữa. Để cha mình không bị ho, mẹ mình có thể ngon giấc, nhà nhà không phải đỏ đèn suốt đêm chuẩn bị đồ chạy lũ, rồi cái đói, cái rét rình rập trong từng giấc ngủ.

Nhiều lúc mình ghen tỵ với các bạn thành phố lắm đấy, các bạn được bao bọc trong một cuộc sống sung túc, chẳng phải lo lắng. Bọn trẻ con quê mình, mấy tuổi đầu đã biết làm đủ thứ từ nấu cơm, giặt giũ, chăn trâu, cắt cỏ, bên cạnh học hành. Nghỉ hè là hò nhau đi bắt cua giữa trưa để kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới. Nhiều đứa đen nhem nhẻm chẳng khác người châu Phi chỉ vì ham tát cá giữa cái nắng chang chang để kiếm thêm cho bữa ăn.

Chắc nhiều bạn chưa từng phải đụng đến quần áo của mình để giặt dù đã có thể tự tay làm chúng phải không? Và có lẽ, bạn chưa từng phải ăn cơm độn khoai hay chỉ ăn cơm với tương, với cà cả năm trời.

Ở thành phố, nhiều bạn sợ cả con sâu, con gián, con nhện. Mình không biết các bạn sợ chúng thật hay sợ chúng làm bẩn đồ. Nếu bạn tận mắt nhìn thấy những con đỉa thì nỗi khủng khiếp của bạn sẽ nhân lên gấp bội. Loài không xương này hút máu cực giỏi, bơi rất siêu, sống rất dai và sinh sôi nhanh kinh điển. Đi gặt lúa, bắt cua, bắt cá, chăn trâu, chúng bám bọn mình chẳng tha đâu. Riết rồi thành quen, bọn mình chẳng thấy sợ nữa, nhiều đứa còn tinh quái trị tội nó bằng cách lộn ruột chúng ra.

Mình nói những điều ấy không phải để so đo giữa teen thành phố và teen nông thôn. Chỉ vì mình mong các bạn hiểu, các bạn may mắn hơn rất nhiều người và quanh các bạn còn rất nhiều mảnh đời khó khăn. Bọn mình đã tự học cách lớn lên từ những vất vả ấy, phấn đấu học tập tốt để mong một ngày có thể đỡ đần cho cha mẹ bớt khổ. Bạn hãy biết trân trọng những gì mình đang có nhé. Khi bạn nhìn mình, hãy nhìn cả những người khác nữa…

Minh Hồng

Từ khóa: