Sự kiện hot
12 năm trước

Tự tạo việc làm - tại sao không ?: Hùn vốn kinh doanh

Không chỉ mong có một công việc ổn định sau khi ra trường, nhiều sinh viên còn ấp ủ ước mơ làm chủ một cửa hàng, công ty. Do vậy từ khi còn đi học một số bạn đã tập tành kinh doanh.

Không chỉ mong có một công việc ổn định sau khi ra trường, nhiều sinh viên còn ấp ủ ước mơ làm chủ một cửa hàng, công ty. Do vậy từ khi còn đi học một số bạn đã tập tành kinh doanh.

Với số vốn khiêm tốn từ vài trăm nghìn đến chục triệu đồng, nhiều sinh viên (SV) đã chọn mặt hàng, hình thức kinh doanh phù hợp với điều kiện tài chính và việc học của mình.

Để tiết kiệm chi phí về mặt bằng, điện, nước và nhân viên, SV chọn những gian hàng nhỏ tại chợ đêm, khu vực gần các trường đại học để kinh doanh. Trần Thị Bích Vân, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Vốn ban đầu mình bỏ ra để làm gian hàng, khung treo và nhập móc khóa về bán chỉ có 7 triệu đồng. Do đó mình chọn địa điểm bán hàng là khu chợ đêm tại làng đại học Thủ Đức. Ở đây, tự mình quản lý và bán hàng, lại tập trung nhiều SV nên cũng có lời”.

Gian hàng móc khóa của Bích Vân tại khu chợ đêm làng đại học
Thủ Đức - Ảnh: Hải Yến

Không những vậy, mặt hàng SV chọn kinh doanh thường là đồ trang sức, quần áo, móc khóa và móc điện thoại, kính mắt và đồng hồ, đồ ăn vặt. Bùi Thị Như Ngọc, SV Trường ĐH Kinh tế - Luật, chia sẻ: “Mình thích kinh doanh nhưng vốn ít nên mình rủ một nhóm bạn cùng nhau hùn vốn và mở một xe hàng bán bánh mì que kiểu Pháp. Bán đồ ăn vặt đắt khách hơn mà mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 500.000 đồng mua nguyên vật liệu”.

Để thu hút người mua, nhóm bạn của Ngọc đã có nhiều cách tiếp thị cho xe hàng nhỏ của mình. Mỗi người trong nhóm sẽ giới thiệu cho bạn bè trong lớp, ký túc xá, và trang mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, nhóm SV này còn có một số điện thoại nóng, khi ai cần mua bánh mì thì liên hệ và đều được giao hàng tận nơi với giá khá mềm.

Không phải khi nào khởi nghiệp với số vốn lớn cũng thành công, đôi khi kinh doanh nhỏ và tích lũy dần để mở rộng quy mô cũng đem lại cho SV nhiều trải nghiệm. Với kinh nghiệm bán móc khóa, móc điện thoại từ năm nhất, Bích Vân đã tích lũy được một số vốn. Bích Vân tâm sự: “Trong thời gian đi học, mình đã lo được chi phí sinh hoạt từ việc bán hàng, nó tạo cho mình tính tự lập và kinh nghiệm trong kinh doanh”.

Còn đối với Minh Quang, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, việc kinh doanh một gian hàng mắt kính tại khu chợ đêm giúp ích cho bạn rất nhiều. Quang chia sẻ: “Sau 3 tháng kinh doanh, mình đã linh động hơn trong việc tìm nguồn hàng, có kinh nghiệm trong cách bán hàng, giao tiếp với người mua. Đồng thời, tiếp xúc với nhiều đối tượng giúp mình linh động trong cách ứng xử và đoán biết được tâm lý của họ”.

Ngoài ra, kinh doanh online cũng được nhiều SV chọn bởi sự tự do, dễ dàng tiếp thị và quản lý thời gian mà vốn đầu tư không nhiều. Chỉ cần một gian hàng online trên các trang mạng, SV đã có thể tự kiếm tiền và tích lũy vốn mở cửa hàng thực trong tương lai. Phương Hạnh, cựu SV Trường ĐH Nghệ thuật Huế, có một cửa hàng online trên Facebook bán đồ handmade len, dạ. Hạnh chia sẻ: “Mặt hàng kinh doanh đều do mình tự làm, sau đó chụp hình sản phẩm và đưa lên Facebook. Xem hình nếu ai thích thì họ để lại địa chỉ mình sẽ giao hàng tận nơi hoặc gửi qua đường bưu điện, tiền được khách hàng chuyển vào tài khoản. Kinh doanh kiểu này, mặt hàng của mình được mọi người khắp cả nước biết đến”.

Việc tập kinh doanh với số vốn nhỏ không chỉ thỏa niềm đam mê kinh doanh mà còn là cơ hội cho SV tích lũy kinh nghiệm, vốn, đồng thời tránh được sự hụt hẫng khi làm ăn thất bại. Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh bán thời gian vừa đảm bảo thời gian SV học trên lớp vừa có thu nhập chi phí cho cuộc sống.

Hải Yến
Theo Thanhnien

Từ khóa: