Sự kiện hot
12 năm trước

Tuổi trẻ và khát vọng cống hiến

Đã có một thời, người ta hoang mang về giới trẻ với quá nhiều vấn nạn, như lối sống vị kỉ, buông thả; sống không có lý tưởng; thích hưởng thụ không chịu lao động.

Đã có một thời, người ta hoang mang về giới trẻ với quá nhiều vấn nạn, như lối sống vị kỉ, buông thả; sống không có lý tưởng; thích hưởng thụ không chịu lao động.

Lại có ý kiến cho rằng không thể “bàn giao thế hệ” cho người trẻ, có người cực đoan còn nói: giao cho “chúng nó” thì mất nước (?). Ở chiều ngược lại, giới trẻ lại cảm giác “người lớn” không hiểu mình, lại bảo thủ lạc hậu. Từ đó khoảng cách cứ giãn rộng.

Đối diện

Khi được hỏi, một cách tổng quát nhất, ông đánh giá lớp trẻ hôm nay ra sao? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt cho rằng, lớp trẻ hiện đang đứng ở vị trí tiền phương của toàn bộ các tiến trình, hoạt động và phát triển của xã hội. “Trước hết họ đứng ở tiền phương trong sự chịu đựng những khó khăn chúng ta đang gặp phải”, ông Bạt nhấn mạnh. Theo ông Bạt, quan tâm đến lớp trẻ là một trong những quan tâm quan trọng nhất. Bỏ rơi lớp trẻ là dấu hiệu tiêu cực nhất trong tất cả mọi sự tiêu cực. Tuy nhiên, ông Bạt cũng lưu ý một điều: ở vị trí tiền phương như vậy thì lớp trẻ phải chịu đựng như thế nào?


Duyên dáng nữ sinh

 Cách đặt vấn đề của ông Bạt cũng tương tự cách nhìn nhận của một số chuyên gia, học giả khi cho rằng cũng như tất cả mọi người, lớp trẻ không thể đòi hỏi phải được sống trong điều kiện “môi trường vô trùng”, mà họ buộc phải lặn lội vào tất cả những không gian, ngõ ngách, đầy rẫy phức tạp. Từ đó họ sẽ nhận ra mình, nhận ra vị trí của mình,tự trui rèn phẩm cách và hình thành năng lực cũng như tích lũy kinh nghiệm sống để “thoát hiểm” khi cần thiết và vượt lên.

Vấn đề quan tâm lớn của giới trẻ hiện nay là công ăn việc làm. Ở lĩnh vực này họ đang gặp khó khăn. Ngay như Hà Nội cũng chỉ thu hút được 10% sinh viên đỗ thủ khoa, có nghĩa là chỉ 10% trong số người đạt thành tích cao trong học tập tìm được việc làm, còn 90% là… ra đường- nói theo cách thiên hạ vẫn nói. Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi có thông tin chạy việc ở Hà Nội mất 100 triệu đồng, ngay lập tức trên mạng xuất hiện vô số bình luận. Bên cạnh việc bất bình, phẫn nộ thì tuyệt đại đa số các ý kiến đều lấy làm lo ngại môi trường sống và làm việc đang chờ đón mình. Như con cá, nếu nước ao hồ tù đọng hôi hám thì làm sao nó thở được, sống được. Bên cạnh đó, rất nhiều lời than: Trời ơi, em biết đào đâu ra tiền để chạy việc bây giờ! Mới đây nhất, khi một dự thảo được trình đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm, cũng lại làm cho lớp trẻ hoang mang. Chỗ em đã ít, lại cứ “ngồi mãi” như thế, thì người trẻ lấy đâu ra việc mà làm. Tính toán một cách cơ học: một sinh viên ra trường sẽ phải đợi ở nhà thêm 5 năm nữa mới có chỗ làm khi ai đó về hưu để lộ ra một ghế trống. 5 năm với cuộc đời con người là vô cùng hệ trọng. 5 năm một người trẻ phải ngồi đợi, họ sẽ nghĩ gì? Những phẩm chất tốt đẹp nào của họ sẽ bị thui chột?


Sức trẻ tình nguyện

Sống trong một xã hội mà guồng quay quá mạnh, nhiều giá trị xã hội (kể cả giá trị đạo đức) cũng đã thay đổi. nhiều người trẻ khó định vị được mình. Đó là yếu tố tinh thần mà người trẻ hôm nay phải đối diện. Tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh, cùng với sự ùa vào của các giá trị từ bên ngoài đã tạo ra một không gian sống hoàn toàn mới, lạ lẫm. Quan niệm thế nào là thành đạt- có nghĩa là hướng để phấn đấu đôi khi rất xa lạ khiến người ta từ ngỡ ngàng đến bàng hoàng. Một “chân dài” từng tuyên bố xanh rờn: "không có tiền thì cạp đất mà ăn". Có nghĩa là mọi giá trị đều phải quy ra tiền, tiền là mục đích sống còn. Người trẻ băn khoăn giữa nhu cầu thực của cuộc sống và những khát vọng mình từng có, từng ôm ấp. Đôi khi hoài bão cao đẹp của con người lại bị thay thế bằng giá trị vật chất. Lá xanh rụng trước lá vàng trong ý nghĩa khát vọng cuộc sống.

Trong chuỗi giá trị đạo đức của cuộc sống hôm nay, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận một đối diện nữa của người trẻ, đó là vấn đề tình dục. Chúng ta đã né tránh vấn đề quá lâu, để  họ tự bơi trong “biển khổ ái tình” không định hướng và cũng không có “phao cứu sinh”cho đến khi họ phải tự vào… bệnh viện để mong tìm lại những ngày yên ả sau những vật vã đau đớn. Thật chẳng vui gì khi khi một số tổ chức quốc tế công bố những điều tra xã hội học rằng ở ta tỉ lệ nạo, phá thai cao hàng đầu thế giới, tỉ lệ lớn lại rơi vào những người chưa lập gia đình. Lại càng không vui gì khi người ta nói rằng, số lượng người truy cập mạng gõ vào chữ sex để tìm kiếm ở ta cũng vào loại “topten”. TS Khuất Thu Hồng từng cảnh báo, với giáo dục tình dục, người trẻ rất ít nhận được sự hỗ trợ của gia đình. Việc này còn kéo dài đến bao giờ?

Dò đường

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt:

“Tôi tự hào theo dõi tất cả các diễn biến tinh thần của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ của chúng ta đang hiện đại, hiểu biết dần lên, họ biết học, biết tìm nơi để học, biết trang bị cho mình những kiến thức rất hiện đại. Họ háo hức và cũng rất giỏi giang trong việc sử dụng phương tiện của thời đại để tiếp cận những vấn đề mà họ quan tâm. Đặc biệt họ vẫn giữ được những điểm tích cực vốn có của người Việt đối với những vấn đề liên quan đến đời sống, vận mệnh, chủ quyền đất nước”.

Lỗ Tấn- nhà văn hiện thực cách mạng Trung Quốc từng viết rằng, thế gian vốn dĩ làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường mà thôi. Câu nói ấy vận vào cuộc sống mới thấy, người trẻ đang phải tự dò đường trong quá nhiều trường hợp. Tất nhiên người trẻ không muốn và cũng ít trông chờ người lớn dắt tay như những đứa trẻ. Họ có ý thức dò đường, tìm đường. Nhưng dò đường để tìm thấy lối đi đúng là không dễ trong một xã hội còn nhiều việc phải giải quyết. Báo cáo Môi trường kinh doanh 2013 của World Bank xếp hạng VN ở mức 99/185. Trong môi trường như vậy, họ tìm được một con đường lập thân, lập nghiệp là không dễ. Trước mắt họ, đường đến các cơ quan Nhà nước là muôn trùng cửa ải; còn việc làm doanh nghiệp thì trong khi kinh tế suy giảm, hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa tan rã, đường đi quá đỗi gian nan.

Tuy nhiên, theo TS Giáp Văn Dương, với những gì người trẻ đang phải đối diện, dò lối đi thì cũng có thể coi đó là một cơ hội mà trước phải là một sự tự nhìn nhận về bản thân của chính họ, từ đó người trẻ sẽ tự xác lập lại các thang giá trị và niềm tin, định vị được vị trí của mình trong xã hội. Với cách đặt vấn đề, giới trẻ ngày nay được nuôi dưỡng trong điều kiện vật chất tốt, được chiều chuộng do đó, khả năng sinh tồn và đương đầu với khó khăn suy giảm; TS Dương cho rằng sẽ là sai lầm khi đặt trọng tâm của đời sống người Việt trẻ vào chuyện sinh tồn, bản thân người trẻ phải đặt mục tiêu cuộc đời mình cao hơn sự sinh tồn. Họ phải tìm ra con đường đi cho cuộc đời mình chứ không phải là tìm con đường sinh tồn. “Con chim trên trời, con cá dưới nước không có trí tuệ, không được học hành đào tạo gì mà vẫn có thể sinh tồn rất tốt đó thôi”, TS Dương nói. Không thể để tự cuộc sống của mình thiếu cái cao cả mà thừa cái vụn vặt, do đó phải dò đường mà tiến về phía trước. Hoàn cảnh đã thay đổi, thì phải tự tìm đường, không thể ngủ quên trong sự chiều chuộng. Không nhảy xuống nước thì không biết bơi, không đi thì sẽ không đến. Mà muốn đi thì phải tìm đường, phải dò cho được trên con đường đó chông gai ở những đâu, thách thức gì đang ẩn khuất. Mấu chốt là người trẻ phải chuẩn bị cho mình tâm thế thích nghi với môi trường mới khi hoàn cảnh đã thay đổi, không bao giờ được đánh mất tính chủ động và năng động của mình.

Vượt qua

Trong một trả lời phỏng vấn, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn cho rằng “lớp trẻ hiện nay mang trong mình cả một tiềm năng ghê gớm lẫn cả tai hoạ tiềm tàng. Nếu không biết khai thác, thật khó đoán biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi muốn nói rằng, các bạn trẻ cứ yên tâm. Xã hội ta luôn đón chờ những tài năng trẻ". Ông Nhàn đưa ra nhận xét, lớp trẻ bây giờ đã khác xa lớp trẻ trước đó hai ba chục năm. Có nghĩa là ở người trẻ bây giờ cảm giác tự do rất mạnh. “Thời trước, chúng tôi rón rén, khép nép, cái gì cũng sợ. Chúng tôi chờ đợi được cho phép làm... mà vẫn vui vẻ với điều đó. Các bạn giờ sống với cả thế giới rộng lớn, nhiều bạn có cảm giác mình là công dân thế giới”. Tuy thế, ông Nhàn cũng e ngại khi cho rằng lớp trẻ bây giờ lại gợi cho người ta một cảm giác thiếu chắc chắn. “Họ có thể phóng đi rất nhanh để rồi không biết làm gì ở cái nơi vừa đến. Đằng sau cái vẻ vội vã của họ hình như ẩn giấu một nỗi thèm thuồng... Trong sự vội vã ấy, họ lại không có khả năng dò vào chiều sâu của cuộc sống”, ông Nhàn băn khoăn.

Nhìn chung, những gì người trẻ hôm nay phải đối diện thì chính họ cũng phải tìm ra đường đi để vượt qua. Với một số ý kiến cho rằng, người trẻ hôm nay sống thiếu lý tưởng, chỉ loay hoay chuyện sinh tồn- thì dẫu có “bực mình” thì  người hành động tốt nhất là chính người trẻ phải làm xã hội thấy điều đó không đúng. Trong một đại dương mênh mông về sex với nhiều pha sống thử, “ăn cơm trước kẻng” thì vẫn còn đó những mối tình trong sáng, những mỗi tình đẹp như nước mắt. Tình yêu đằm thắm đó phải được nhân lên, là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong lúc hàng loạt doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, thì vẫn có những người trẻ dám vay tiền ngân hàng làm doanh nghiệp, làm trang trại. Họ dám chấp nhận thất bại vì dám ôm ấp niềm tin làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội.

Những ngày tòng quân cuối tháng 2 vừa qua, người trẻ hăng hái lên đường. Trên mũ nhiều bạn trẻ nhập ngũ viết một câu “Tổ quốc gọi chúng con đáp lời”. Họ không thờ ơ, không mất lý tưởng, mà vẫn nặng lòng với những giá trị cao cả thiêng liêng.

Người trẻ hôm nay đang vượt qua thử thách. Trong thử thách có người vấp ngã, có người gục ngã nhưng sẽ có nhiều người tới đích. Chia sẻ những gì họ đang phải đối diện, nhưng niềm tin về người trẻ thì không bao giờ mất. Đó cũng là câu chuyện của tháng 3 này: Tháng Thanh niên.

TS Giáp Văn Dương: 

“Người trẻ hiện là lực lượng chủ đạo tại những nơi mà đời sống đang diễn ra sôi động nhất. Dù đó là đời sống kinh tế như trong các trung tâm mua sắm lớn; đời sống văn hóa như trong các biểu diễn, triển lãm nghệ thuật; hay đời sống học thuật trong các trường, viện nghiên cứu. Đi vào những nơi hiện đại nhất, có mức độ hội nhập cao nhất, thì sẽ thấy lực lượng chủ đạo ở trong đó là người trẻ. Ngay cả trong khu vực sản xuất và dịch vụ, người trẻ cũng đang là lực lượng chủ lực”.

Gia Linh
theo GD&TĐ

Từ khóa: