Từ thói quen, tập tục sinh hoạt và môi trường sống đã tạo ra nhiều nét đặc sắc trong lối sống và văn hóa kiến trúc của đồng bào dân tộc người Mông. Trên mảnh đất vùng cao huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) lối kiến trúc nhà trình tường của người Mông tạo nên vẻ đẹp độc đáo, nguyên sơ ở nơi đây.
Những năm trở lại đây, đời sống người dân ngày càng được nâng cao; kiến trúc nhà hiện đại đang dần được thay thế, những căn nhà trình tường truyền thống của người Mông đang dần bị mai một. Trước tình trạng đó, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã xây dựng phương án, phục dựng lại kiến trúc nhà trình tường của đồng bào Mông.
Ở thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình, Tuyên Quang). Ngôi nhà trình tường của gia đình ông Giàng Seo Páo, rộng 6m, dài 9m với tổng diện tích 54m2, đang trong giai đoạn hoàn thành phần trình tường, hiện người dân trong thôn đang giúp gia đình ông Páo đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thiện căn nhà theo đúng lối kiến trúc truyền thống của đồng bào Mông.
Còn đối với gia đình anh Giàng Seo Sì cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng căn nhà trình tường, anh Sì cho biết: Để làm được ngôi nhà trình tường của dân tộc Mông cần rất nhiều công đoạn. Người Mông nơi đây thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay mà không dùng bất cứ máy móc nào. Bà con làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài khoảng 1,5m, rộng nửa mét. Khi trình tường, người thợ đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc chày và vồ được làm bằng gỗ nện chặt đất. Với sự khéo léo, điêu luyện của đôi tay, những bức tường dần hiện lên một cách chắc chắn.
Sau khi đất khô những ngôi nhà tường trình có màu vàng tươi rồi sẫm lại dần theo mưa nắng thời gian. Những nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc đến từ những màu sắc: màu nâu vàng của tường đất cùng với màu của lúa mới, màu sắc thiên nhiên của hoa mơ, hoa mận, màu của những bộ trang phục độc đáo của người Mông nơi đây, màu của sự ấm no, hạnh phúc.... Trong làn khói mờ sương đang tan dần làm lộ ra những nếp nhà trình tường cổ kính, tất cả như tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo.
Có thể nói, đây là nét kiến trúc độc đáo về nhà ở của đồng bào Mông vùng cao huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Về mùa đông, mặc cho thời tiết rét mướt đến đâu thì trong những ngôi nhà trình tường vẫn ấm. Còn về mùa hè, nếu nắng nóng đến 37 - 38 độ C đi nữa thì ngồi trong nhà vẫn mát mẻ. Chất lượng của nhà trình tường cũng rất tốt, theo người dân nơi đây cho rằng, trâu bò húc vào tường không rung rinh, một người to khỏe lấy hết sức bình sinh đạp cả hai chân, tường nhà vẫn vững trơ gan cùng tuế nguyệt.
Trong thời gian tới, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) sẽ xây dựng kế hoạch và những giải pháp cụ thể nhằm phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Gìn giữ kiến trúc nhà ở; quan tâm, khoanh vùng bảo tồn một số nhà trình tường cổ có tuổi thọ cao, kiến trúc lâu đời tại xã Xuân Lập. Đặc biệt, theo lộ trình phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện đã có kế hoạch khoanh vùng xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, với quyết tâm phục dựng lại và gìn giữ những ngôi nhà trình tường của đồng bào Mông.
Việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch đang là mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang nói chung, huyện Lâm Bình nói riêng. Du khách có dịp đến nơi đây không chỉ để ngắm cảnh, mà còn để thưởng thức nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc; cũng như hòa mình vào cuộc sống của người dân tộc Mông nơi đây.
Thanh Tú
Theo KTDU