Sự kiện hot
13 năm trước

Tỷ giá vì sao đi xuống?

“Hiện nay, với mức chênh lệch lãi suất là trên dưới 10%/năm so với USD, khả năng đồng Việt Nam tiếp tục giảm giá là rất ít”

“Hiện nay, với mức chênh lệch lãi suất là trên dưới 10%/năm so với USD, khả năng đồng Việt Nam tiếp tục giảm giá là rất ít”

Cuối tuần trước, các ngân hàng lớn nhỏ đồng loạt niêm yết giá bán USD thấp hơn trần, được xác định bởi tỷ giá bình quân liên ngân hàng 20.828 đồng/USD. Cụ thể, sáng ngày 4/2, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 20.906 đồng/USD (mua vào) và 21.036 đồng/USD (bán ra), Vietinbank ở mức 20.930 và 21.000, BIDV 20.900 và 21.010. Một số thành viên lớn khác như Eximbank, ACB cũng hạ giá bán xuống dưới mức trần.

Đặc biệt, có những thời điểm, tại một số ngân hàng, mức giá USD bán ra giảm đáng kể xuống còn 20.980 đồng/USD. Còn giá USD tự do tại Hà Nội sáng 4/2 vẫn duy trì phổ biến ở mức 20.970 đồng/USD (mua vào) và 21.000 đồng/USD (bán ra).

Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, thanh khoản VND về cuối năm không được tốt, trong khi chênh lệch lãi suất USD - VND tương đối cao nên trong điều kiện tỷ giá tương đối ổn định thì nhu cầu nắm giữ USD không cao. Thêm vào đó, thông tin tài khoản của NHNN đã “ghi có” 567 triệu USD - khoản tiền mà Mizuho thanh toán mua 15% cổ phần của Vietcombank cũng giúp cung tăng lên tương đối. Đó là chưa kể dịp Tết Nguyên đán, lượng kiều hối thường đổ về nhiều qua các ngân hàng.

Đồng thời, Báo cáo mới nhất về các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á của ANZ nhận định, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2012 của Việt Nam giảm 11,1%, so với mức tăng 8,0% trong tháng 12 năm ngoái. Nhập khẩu cũng giảm mạnh tới 18,7% so với tháng 12/2011. Nhờ đó, thâm hụt thương mại thu hẹp khoảng 100 triệu USD, trong khi mức thâm hụt này là 270 triệu USD của tháng 12/2011. Điều này cho thấy, mức độ tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt, tỷ lệ nhập siêu của tháng cũng không tăng đột biến.

“Rõ ràng, cung thì tăng mà cầu thì không có gì đột biến, dẫn đến tỷ giá tương đối ổn định và đi xuống tại thời điểm hiện tại”, ông Long nói.

Tìm hiểu của ĐTCK, các doanh nghiệp đều cho rằng, các ngân hàng lớn, nhỏ đồng loạt niêm yết giá bán USD thấp hơn mức trần, thể hiện việc nhiều người bán, ít người mua. Đây là chuyện bình thường, bởi thời điểm này các kế hoạch sản xuất kinh doanh mới được khởi động sau kỳ nghỉ Tết”.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cho biết, sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc bình thường nhưng kế hoạch kinh doanh cụ thể vẫn chưa triển khai.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank nhìn nhận, doanh nghiệp xuất khẩu sau khi có ngoại tệ thu về, đã bán đi do lãi suất VND hiện đang cao hơn với lãi suất USD. Bên cạnh đó, nhu cầu về ngoại tệ chủ yếu đến từ hoạt động thanh toán hàng nhập khẩu mà những doanh nghiệp đã vay tiền kinh doanh xong rồi trả lại ngân hàng. Đó là những yếu tố khiến cho tỷ giá thấp xuống.

Nhưng điều quan trọng là, tỷ giá và lãi suất tác động rất lớn đến nhau. Lãi suất của một đồng tiền càng cao sẽ càng củng cố vị thế của chính nó trong quan hệ tỷ giá hối đoái.

“Hiện nay, với mức chênh lệch lãi suất là trên dưới 10%/năm so với USD, khả năng đồng Việt Nam giảm giá là rất ít”, ông Phước nói.

Ngoài tác động của nhân tố trên, theo ông Phước, còn một tác động nữa là lạm phát thời gian qua vẫn ở mức khá cao, làm cho đồng tiền Việt Nam suy yếu, nhưng do sự chênh lệch lãi suất quá lớn như nói trên, làm cho vị thế của tiền đồng cũng tương đối ổn định.

Trong điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện giờ thì lãi suất cao làm cho nhu cầu vay vốn về tín dụng sẽ thấp xuống, với một nền kinh tế mở như Việt Nam mà tín dụng thấp xuống thì nhu cầu hàng nhập khẩu cũng phải ít đi, tốc độ tăng phải chậm. Mà nhu cầu nhập khẩu tăng chậm thì nhu cầu mua USD để thanh toán cho nhập khẩu cũng phải tăng chậm. Đó là lý do vì sao mà tỷ giá lại như hiện nay.

“Nếu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 9,5%, lãi suất tiền đồng xuống còn 11 - 12%/năm thì chắc chắn, lúc đó, tỷ giá sẽ có xu hướng đi lên. Vì theo quy luật, lãi suất thấp xuống, nhu cầu tín dụng tăng cao, trong đó có tín dụng phục vụ cho nhập khẩu, từ đó, ngoại tệ phục vụ cho thanh toán cũng tăng cao. Còn muốn biết sự ổn định của tỷ giá có thể kéo dài trong bao lâu, cần phải xem lại xu hướng của lãi suất đồng Việt Nam như thế nào và đồng thời, điều này cũng quyết định xu hướng lạm phát sẽ tăng như thế nào”, ông Phước nói.

Hồng Dung
Theo Dau tu chung khoan


Từ khóa: